dữ liệu cảm tính. Hegel cũng có những lý do khác cho việc đồng nhất hóa
cái Tôi với khái niệm: Cái Tôi (và TINH THẦN) hình thành một sự thống
nhất mật thiết không thể được giải thích bởi các phạm trù cơ giới luận của
TÍNH NHÂN QUẢ hay SỰ TƯƠNG TÁC QUA LẠI, mà chỉ có thể được
giải thích bằng khái niệm. Hơn nữa, cái Tôi vừa hoàn toàn mang tính phổ
biến hay bất định - nếu tôi suy nghĩ về chính mình một cách đơn giản như
bản ngã của Descartes, tước mất đi cơ thể và nội dung thường nghiệm - vừa
hoàn toàn mang tính ĐẶC THÙ, ở chỗ nó không thể hiện hữu mà không có
sự hiện thân trong cơ thể và một Ý THỨC nhất định về các đối tượng khác
hơn là chính mình. Do đó, cấu trúc của cái Tôi phản chiếu cấu trúc của khái
niệm, cấu trúc này đồng thời là phổ biến, đặc thù và CÁ BIỆT, và khái
niệm, giống như cái Tôi, ôm trọn (“lĩnh hội”) hay bao trùm (übergreift) cái
khác với chính nó. Nhưng việc đồng nhất hóa cái Tôi với khái niệm không
có nghĩa rằng mọi người và mọi lúc đều sử dụng cùng các khái niệm giống
hệt nhau: với Hegel, không giống như Kant, các khái niệm mang tính phạm
trù khác nhau (different categorical concepts) dần dần có được qua diễn
trình LỊCH SỬ [chứ không phải nhất thành bất biến].
2. Các khái niệm không khác biệt rạch ròi với các đối tượng. Hegel có
một số luận cứ cho điều này:
(a) Các khái niệm phổ biến được xem xét trong Lô-gíc học cấu tạo
nên, hơn là định tính các đối tượng: không đối tượng nào có thể hoàn toàn
vô quy định, và không có đối tượng nào, ví dụ, không một VẬT nào có
những thuộc tính mà không phải là một vật có những thuộc tính.
(b) Chính bản thân sự tương phản giữa các khái niệm với các đối
tượng bên ngoài là một khái niệm hay một sự cấu tạo mang tính khái niệm:
khái niệm phân đôi thành khái niệm về một khái niệm và khái niệm về một
đối tượng (cũng như khái niệm về cái Tôi), giống như cái phổ biến tự đặc
thù hóa thành cái phổ biến, cái đặc thù và cái cá biệt; khái niệm bao trùm
cái khác với chính nó.