chứng minh những phương diện khác nhau của kết luận được mong muốn,
như là việc hoàn chỉnh bức tranh của ta về Thượng Đế: chẳng hạn, luận
chứng vũ trụ học xác lập rằng Thượng Đế là một Hữu thể tất yếu, chứ
không phải là một tác nhân MỤC ĐÍCH; luận chứng mục đích luận xác lập
rằng Ngài là một tác nhân mục đích, chứ không phải là một tác nhân luân
lý; điều này chỉ được xác lập bởi luận chứng luân lý. Hegel thường lý giải
những luận chứng truyền thống theo cách này, và chỉ trích, ví dụ, luận
chứng ex consensu gentium [từ sự đồng thuận của mọi người] không phải
vì lý do rằng những tiền đề của nó là sai lầm hay luận cứ không có giá trị
hiệu lực, mà với lý do là nó dẫn đến một khái niệm cực kỳ nghèo nàn về
Thượng Đế, vốn là nhân tố chung tối thượng của mọi đức tin tôn giáo. Ông
lập luận rằng những luận chứng truyền thống như thế làm nghèo nàn, và
không cần thiết cho ĐỨC TIN, tuy nhiên sự phản tư như thế về đức tin là
một mô-men không thể tránh khỏi trong SỰ PHÁT TRIỂN của TINH
THẦN. Giải pháp là phải suy tưởng sâu hơn nữa, chứ không rơi trở lại vào
đức tin thiếu sự phản tư.
Kant thường được coi là người đã đánh đổ những luận chứng về
Thượng Đế trong PPLTTT, chỉ dành chỗ cho niềm tin luân lý. Hegel cố
gắng hồi sinh lại những luận cứ này. Nhưng ông làm việc đó bằng cách tái
lý giải những luận chứng ấy và ý niệm về Thượng Đế một cách triệt để.
Ông có những phê phán đối với nỗ lực của Kant trong việc bác bỏ những
luận chứng trên: ví dụ, ông lý sự về bất cứ những gì mà luận chứng bản thể
học có ý định chứng minh là TỒN TẠI, HIỆN HỮU, TÍNH KHÁCH
QUAN, v.v., của Thượng Đế. Những sự phê phán như thế liên quan đến sự
lý giải lại của Hegel về những luận chứng hơn là đến việc Kant bác bỏ
những phiên bản truyền thống.
Với tính cách là vô hạn, Thượng Đế không phân biệt với thế giới, mà
tự bản chất, Ngài là cấu trúc lô-gíc của thế giới, bản thân thế giới (TỰ
NHIÊN), và nhận thức của con người về thế giới (kể cả tôn giáo). Vì thế,
luận chứng bản thể học, theo quan niệm của Hegel, không xác lập sự hiện