trong hành động công khai, một phần vì chỉ qua sự thể hiện ra bên ngoài, ý
chí mới đạt được một tính cách xác định, một phần vì mọi tội ác hay sự tàn
bạo có lẽ đều sẽ được biện minh bằng một ý đồ thiện hoặc một lý do hay
CƠ SỞ thiện.
(2) Luân lý có xu hướng xem cái thiện như cái gì đó phải được đạt
đến, và trạng thái hiện tại, hoặc của một con người cá nhân, một xã hội
hoặc con người xét như toàn bộ, đều ít nhiều là ác. Ngược lại, Hegel tin
rằng cái thiện phải được hiện thực hóa trong sự việc hiện tại, tức trong cái
HIỆN THỰC.
(3) Một lý do cho việc ông tin rằng cái thiện đã được hiện thực hóa
xong xuôi là: trong khi luân lý có xu hướng rút ra một tương phản rạch ròi
giữa thiện và ác và cho rằng việc hiện thực hóa cái thiện đòi hỏi phải loại
bỏ hay chiến thắng hoàn toàn cái ác, thì Hegel xem cái ác như tất yếu nằm
trong cái thiện: cái thiện đòi hỏi phải chế ngự hay thuần phục cái ác chứ
không phải loại bỏ nó. Học thuyết này xuất hiện ở một số cấp độ trong tư
tưởng của ông:
(a) Nếu người ta tự do chọn cái thiện, thì đó chỉ có thể là thiện về mặt
luân lý, chứ không phải ngây thơ vô tội. Nhưng điều này có nghĩa là người
ta cũng tự do chọn cái ác, và nếu khả thể này bị loại bỏ, người ta sẽ đánh
mất khả thể trở nên thiện. (Hegel lý giải thần thoại về sự Sa ngã như một sự
đi xuống, chứ không phải rơi xuống, vì nó đã sở đắc được tri thức về thiện
và ác, vốn là một điều kiện tất yếu cho sự thiện, tương phản với sự ngây thơ
[vô tội]).
(b) Các xu hướng và đam mê của ta, đối với luân lý, tuy là gốc rễ của
cái ác, nhưng không nên tiêu diệt và tận diệt chúng, mà phải điều tiết chúng
vào trong những thói thường và nghi thức của đời sống đạo đức: thói dâm
dục bị thuần hóa để trở thành tình yêu vợ chồng và được thỏa mãn trong
hôn nhân, v.v.