morality) hầu như là đồng nghĩa nơi Kant và các triết gia khác. Dasein
(“tồn tại nhất định”, “tồn tại hiện có”, “hiện hữu”) có thể hoán đổi với
Existenz, và, v.v. Cũng giống như Wolff, Hegel không thích những sự đồng
nghĩa, và ông tiến hành một cuộc đấu tranh không thương tiếc chống lại sự
“đồng nghĩa hóa”
. Vì thế, Sittlichkeit và Moralität được ông ban cho các
ý nghĩa khác nhau, một bên là “đời sống đạo đức” hay “luân lý xã hội”, còn
bên kia là “luân lý cá nhân”, “luân lý của lương tâm”. Tuy nhiên, xét toàn
cục, Hegel dành những nghĩa khác nhau cho các từ thoạt nhìn là đồng nghĩa
không phải vô mục đích, mà nhằm tạo ra sự phân biệt quan trọng về mặt
khái niệm mà chỉ có sự dị biệt hóa về nghĩa mới cho phép ông làm được.
Do vậy, ông dị biệt hóa để tạo nên sự phân biệt giữa ideal (“có tính lý
tưởng”) và ideell (“có tính ý thể, ý niệm”), nhưng lại không thấy có sự phân
biệt tương tự giữa real và reell, và có xu hướng dùng chúng thay thế cho
nhau. [Xem: các mục từ “Ý NIỆM”, “Ý THỂ”... trong Từ điển này. (N.D)]
(Khi dị biệt hóa các từ, không phải lúc nào Hegel cũng cẩn trọng hay nhất
quán trong việc dùng chúng, nhất là - và cũng dễ hiểu - trong các bài giảng
của ông).
Nghĩa được Hegel gán cho một từ không bao giờ không có quan hệ
với cách sử dụng thông thường hay trong cách sử dụng Triết học trước đó.
Ông thường thấy có mối liên kết giữa từ nguyên (có thật hay giả định) của
một từ, biểu thị cách dùng (có thật hay giả định) trong quá khứ với nghĩa
được gán cho nó. Vì thế, Sittlichkeit có quan hệ với từ thông dụng là Sitte
(“tập tục”), và vì thế, có thể giả định rằng nghĩa nguyên thủy của nó là luân
lý “tập thể” hơn là luân lý “cá nhân”. Hegel thường có xu hướng tìm tòi từ
nguyên của những từ bản địa hơn là của những từ vay mượn, vì Moralität
cũng được rút ra từ tiếng La-tinh mos (số nhiều: mores), nghĩa là “tập tục”.
Nhưng ông lại viện đến nghĩa từ nguyên của tiếng nước ngoài nếu có cơ
hội. Chẳng hạn, ông nhấn mạnh đến sự phái sinh của từ Existenz (“hiện
hữu”) từ động từ La-tinh existere, “tiến lên, đi tới trước”.