loại trừ các nghĩa khác, thì các nghĩa khác hay các cách dùng khác vẫn ảnh
hưởng đến cách dùng của ông. Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi nghĩa và
mọi cách sử dụng một từ đều có vai trò và phạm vi ngang bằng nhau. Ông
xử lý sự hàm hồ trong ngôn ngữ ông gặp phải bằng nhiều cách khác nhau.
Đối với các từ đa nghĩa, ví dụ: Freiheit, Reflexion, Urteil, v.v., ông tìm cách
liên hệ các nghĩa khác nhau của từ một cách có hệ thống, chẳng hạn, cho
rằng một phán đoán (Urteil) theo nghĩa “tuyên án, phán quyết” mới là loại
hình cao nhất của việc phán đoán theo nghĩa rộng. Hoặc ông thường phân
biệt các nghĩa khác nhau của từ bằng cách dùng một tính từ bổ nghĩa cho từ
ấy, ví dụ: “tự do chủ quan”, “tự do khách quan”; “tinh thần (Geist) chủ
quan”, “tinh thần khách quan”, v.v. Đôi khi ông thẳng thừng bác bỏ một
nghĩa nào đó của từ, đồng thời ủng hộ và phát triển một nghĩa khác của nó,
chẳng hạn, ông cho rằng một phán đoán thì không thể là “đúng thật”
(wahr/Anh: “true”) mà chỉ có thể là “đúng đắn” (richtig/Anh: “correct”) mà
thôi, và đồng hóa cách dùng từ wahr (“đúng thật”/“đích thực”) của ông với
cách dùng của nó trong “người bạn đúng thật/đích thực” [hay “tác phẩm
nghệ thuật đúng thật/đích thực”]. Đôi khi, ông còn phân biệt giữa nghĩa
“tốt” hay nghĩa “đúng thật” với nghĩa “xấu”, “tồi” hay “sai lầm” của từ: ví
dụ: sự vô tận đúng thật và sự vô tận tồi. Trường hợp của từ “chân lý”/“sự
thật” và từ “sự vô tận”/“vô hạn” khác nhau ở chỗ: trong khi cách diễn đạt
“phán đoán đúng thật” hay “mệnh đề đúng thật” (Satz) thật sự không giữ
vai trò gì trong diễn ngôn của Hegel, thì “sự vô tận tồi” hay “cái vô tận tồi”
lại xuất hiện thường xuyên, và quan niệm về “sự vô tận tồi” giữ vai trò hệ
trọng trong việc xuất hiện quan niệm về “sự vô tận đúng thật”. (Tuy nhiên,
một phiên bản, hay ít ra là một phiên bản khá gần gũi, của định nghĩa về
chân lý của phán đoán dựa trên sự tương ứng - rằng chân lý là sự “nhất trí
hay tương ứng giữa một khái niệm với thực tại” - cũng giữ một phần trong
nghiên cứu của Hegel về chân lý). [Xem các mục từ: “VÔ HẠN”/“VÔ
TẬN”; “CHÂN LÝ”/“SỰ THẬT”, “SAI LẦM” và “ĐÚNG ĐẮN”... trong
Từ điển này. N.D].