niệm, nous vũ trụ hay thế giới khả niệm (noētos). Trái với quan năng thấp
hơn, nous thường phản tư không chỉ về các quan năng thấp hơn và các đối
tượng của chúng, mà còn về bản thân mình, thành thử nó là “tư duy về/của
tư duy”, và nó đồng nhất bản thân với đối tượng của chính nó (Aristoteles,
Plotinus).
Sự phân biệt này đi vào tư duy thời trung cổ, chẳng hạn, qua những
người như Boethius, người đã phân biệt, intellectus hoặc intelligentia mang
tính trực quan, là cao hơn so với ratio hay ratiocination mang tính suy lý.
Trong tư duy thời trung cổ thì intellectus, hay mens, là quan năng cao hơn,
còn ratio là quan năng thấp hơn. Do đó khi sự phân biệt này được Eckhart
và các nhà huyền học khác dịch sang tiếng Đức thì Verstand (intellectus) là
quan năng cao hơn, còn Vernunft (ratio) là quan năng thấp hơn: Vernunft
khái niệm hóa chất liệu cảm tính, trong khi Verstand mang lại tri thức phi
cảm tính về Thượng Đế. Nhưng vị trí này của chúng đã bị đảo lộn bởi các
nhà tư tưởng thời Khai minh, như nơi Wollf chẳng hạn, người đã không
dành chỗ nào cho tri thức siêu cảm tính, mang tính trực quan của Verstand
cả. Verstand tuy vẫn còn mang tính trực quan nhiều hơn Vernunft, nhưng
giờ đây chỉ còn gắn với các KHÁI NIỆM và sự áp dụng chúng vào các chất
liệu cảm tính: nó là “quan năng hình dung một cách rõ ràng về cái khả thể”.
Vernunft vẫn giữ được mối liên hệ của nó với sự SUY LUẬN và lập luận:
nó là “quan năng nhìn thấu vào bên trong mối liên kết giữa các chân lý”.
Kant tiếp thu sự phân biệt này: Verstand là quan năng của khái niệm
và PHÁN ĐOÁN (mặc dù chúng thường được quy cho Urteilskraft – (năng
lực) “phán đoán”), còn Vernunft là quan năng suy luận. Nhưng Vernunft còn
có vai trò cao hơn nữa: nó là quan năng của các Ý NIỆM và là nguồn gốc
của các khái niệm SIÊU HÌNH HỌC; nó phản tư về tri thức mà giác tính
thu nhận được và nỗ lực biến tri thức đó thành một cái TOÀN BỘ hoàn
chỉnh, một nỗ lực đưa tri thức vượt qua những GIỚI HẠN của KINH
NGHIỆM do lý tính áp đặt lên giác tính.