Goethe cũng góp phần định hình nên sự phân biệt này: Verstand giải
quyết các vấn đề nhất định, quy mô nhỏ, trong khi Vernunft bao quát và hòa
giải những cái ĐỐI LẬP. Trái với các nhà tư tưởng thời cổ đại và trung đại,
những người thường gắn quan năng cao hơn (intellectus, v.v.) với TỒN
TẠI hay cái đang là, còn quan năng thấp hơn (ratio, v.v.) với sự TRỞ
THÀNH (das Werden/Anh: “becoming”), Goethe quy Vernunft cho “cái sẽ
là” (das Werdende: “cái trở thành”), còn Verstand với “cái đang là” (das
Gewordene: “cái đã trở thành”): lý tính quan tâm tới sự phát triển, còn
giác tính liên quan tới việc giữ cho mọi sự đúng như chúng đang là, vì
những mục đích thực tiễn. Ở Jacobi, Vernunft trở lại là một “cảm thức về
cái siêu cảm tính”: thoạt tiên ông đối lập cả Vernunft lẫn Verstand với các
quan năng cao hơn của NIỀM TIN và CẢM XÚC; nhưng sau này Vernunft
tương đương với niềm tin, và được cho là mang lại một cái nhìn TRỰC
TIẾP và hoàn chỉnh về CHÂN LÝ, trái với Verstand mang tính suy luận.
Nhưng quan niệm của Schiller gần gũi với Hegel hơn: BẢN TÍNH TỰ
NHIÊN (GIÁC QUAN) thì hợp nhất tất cả, giác tính phân ly tất cả, nhưng
lý tính lại tái hợp nhất những gì đã bị phân ly (GDCN, XIX).
Quan niệm của Hegel (và cả Schelling) về Verstand và Vernunft hàm
chứa các yếu tố của tất cả các quan điểm nói trên. Bản chất của Verstand,
nói như Schelling, là sáng sủa mà thiếu chiều sâu. Nó cố định lại, và cô lập
các khái niệm với nhau, ví dụ như giữa VÔ HẠN và HỮU HẠN. Nó đưa ra
các phân tích và luận cứ rành mạch bằng con đường suy diễn. Do đó, nó
được gắn với các khái niệm theo nghĩa truyền thống của chúng, chứ không
phải với khái niệm theo nghĩa của Hegel, là cái hòa nhập vào các khái niệm
khác, để rồi sinh ra lời thuyết minh về chính nó trong từng trường hợp cụ
thể. Nhưng nó là giai đoạn đầu tiên, không thể thiếu, của Logic học và khoa
học nói chung: ta không thể, khác với Jacobi, và đôi khi cả Schelling vẫn
tin, tiến thẳng tới các chân lý của lý tính mà không có sự hiểu biết TRỪU
TƯỢNG ban đầu về đối tượng (BKT I, §80).