làm điều ấy, thoạt đầu, bằng cách viện đến một sự quy thoái VÔ TẬN
(chẳng hạn, sự quy thoái vô tận của các nguyên nhân và kết quả), nhưng
giải pháp thích hợp là đi đến một khái niệm mới, cao hơn, vốn về bản chất
có quan hệ với khái niệm trước và loại bỏ mâu thuẫn trong khái niệm trước
ấy. Khái niệm mới thường chứa đựng một mâu thuẫn của chính nó, và vì
thế tư tưởng tiến lên bằng việc liên tục vén mở và vượt qua những mâu
thuẫn, cho đến khi nó đạt đến một Ý NIỆM tuyệt đối (vô hạn), thoát khỏi
mọi loại mâu thuẫn vốn sẽ tạo ra sự vận động tiếp tục. Ý niệm tuyệt đối là
thích hợp cho sự khái niệm hóa các thực thể, chẳng hạn Thượng Đế, tránh
được những biểu tượng cứng nhắc của GIÁC TÍNH. Nó, và những tuyên bố
mà nó cho phép (chẳng hạn tuyên bố rằng Thượng Đế vừa là CƠ SỞ vừa là
hệ quả, rằng Thượng Đế được trung giới nhưng vượt bỏ sự TRUNG GIỚI
của Ngài thành tính trực tiếp), có vẻ mâu thuẫn với giác tính, nhưng đó là vì
giác tính cô lập những phương diện của ý niệm tuyệt đối theo những cách
đã tỏ ra là không chính đáng.
Những nhà Lô-gíc học truyền thống, nhất là Kant, đã loại trừ khả thể
của những mâu thuẫn khách quan. Nhưng Hegel lại cho rằng những sự vật
hữu hạn, giống như những tư tưởng hữu hạn, đều chứa đựng mâu thuẫn.
Giống như các tư tưởng hữu hạn có sự thúc đẩy vượt qua mâu thuẫn, và vì
thế tiến tới những tư tưởng khác, thì các sự vật hữu hạn cũng có một sự
thúc đẩy như thế để làm cho chúng vận động và thay đổi. Nhưng những sự
vật hữu hạn, không giống với TINH THẦN, không thể duy trì mâu thuẫn:
rốt cục chúng tiêu biến đi. Trái lại, thế giới như một cái toàn bộ không tiêu
biến đi, bởi lẽ nó thoát khỏi tính hữu hạn đầy mâu thuẫn của những thực thể
mà nó chứa đựng.
Vì thế, luật mâu thuẫn là một “luật của tư duy” không theo nghĩa rằng
mâu thuẫn là không thể suy tưởng được (hay không khả niệm) cũng không
theo nghĩa rằng mâu thuẫn không thể xuất hiện trong thế giới. Hegel chỉ
chấp nhận nó trong chừng mực ông tin rằng mâu thuẫn, cả khách quan lẫn
chủ quan, phải được vượt qua, và một tư tưởng hay một thực thể mâu thuẫn