(a) Vì sao TỰ-Ý-THỨC đòi hỏi tôi phải nhận ra những người khác, và
được người khác nhận ra (theo nghĩa (1) và (2) của recognition)?
(b) Vì sao đòi hỏi tôi phải chấp nhận những người khác, và được
những người khác chấp nhận (nghĩa thứ 4 của recognition)?
(c) Vì sao đòi hỏi tôi (đặc biệt) phải được công nhận, [vinh danh, biết
ơn] bởi những người khác (nghĩa thứ 5 của recognition)?
Nhưng những câu trả lời của ông không chỉ phụ thuộc vào sự nhập
nhằng đa nghĩa của Anerkennung:
(a) Tồn tại trong trạng thái TỰ-Ý-THỨC hay với tư cách một NHÂN
THÂN chính là ý thức về bản thân như một cái Tôi, tương phản với các
trạng thái thể xác và tâm lý của bản thân mình. Nó phải là trạng thái “được
phản tư vào trong chính mình”, chứ không chỉ tồn tại đơn giản như một sự
sinh sôi nảy nở bất tận của, ví dụ, các ham muốn. (Nỗ lực đầu tiên của TỰ-
Ý-THỨC trong việc xác lập chính mình là thỏa mãn ham muốn của bản
thân thông qua việc tiêu thụ hết thứ này đến thứ khác). Nhưng PHẢN TƯ
vào trong chính mình đòi hỏi ta phải được phản chiếu từ cái gì đó không
đơn thuần được coi như một đối tượng để tiêu thụ, mà như một cái Tôi (hay
cái tự ngã) khác ngang hàng với bản thân tự ngã của mình. Việc sử dụng cái
“Tôi” là tương phản, và như thế, cũng đòi hỏi việc sử dụng cái “Anh ấy/Chị
ấy” [người khác], cũng như cái “Nó” [vật khác].
(b) Tư cách pháp nhân [của một cá nhân] gắn kết rất rõ với sự công
nhận: sự công nhận một cách thích đáng cái gì đó như một nhân thân vừa là
điều kiện cần vừa là điều kiện đủ để cái đó là một “nhân thân” (“person”)
(kiểu như việc Caligula chỉ định con ngựa của ông ta làm quan chấp chính
là điều kiện cần và đủ để con ngựa đó là quan chấp chính), mặc dù thông
thường tiêu chí của tư cách nhân thân tự nhiên phải được đáp ứng bởi một
thực thể mà sự công nhận đó dành cho. Nhưng vì sao lại đòi hỏi sự chấp
nhận (nghĩa thứ 4) cho một tư cách cá nhân tự nhiên hay cho TỰ-Ý-