Thượng Đế bởi một sự sáng tạo VĨNH HẰNG, trong khi vẫn còn nằm
trong cái bản tính thiêng liêng, và mãi mãi trở về với Thượng Đế. Học
thuyết này về sau được mang lại một lý giải mang tính lịch sử: LỊCH SỬ,
đối với Schelling và Hegel, là mạc khải của Thượng Đế hay của TINH
THẦN về chính mình. Hegel nghiên cứu Plotinus và Proclus một cách thấu
đáo, và ngưỡng mộ cả hai triết gia này, cho dù ông thích Proclus hơn
Plotinus. Ông khác với họ khi xem nguồn suối của sự vận động nhịp ba (ví
dụ như TỒN TẠI) là vận động VƯỢT BỎ, hơn là được bảo lưu trong tính
thuần túy nguyên thủy của nó, nhưng nó được phục hồi trên một bình diện
cao hơn ở nhịp cuối cùng của nhịp ba, tức sự “trở lại”. Vì thế, một cấu trúc
nhịp ba của Hegel, cũng như cấu trúc nhịp ba của phái Plato-mới, là một
hành trình trở về, và như ở Proclus, sơ đồ nhịp ba tái xuất hiện ở các cấp độ
tiếp theo. E. R. Dodds, trong lần xuất bản thứ hai cuốn The Elements of
Theology/Các Nguyên lý cơ bản của thần học (Oxford: Clarendon, 1963),
cho rằng sai lầm chính của Proclus là việc ông “giả định rằng cấu trúc của
vũ trụ tái tạo một cách chính xác cấu trúc của Lô-gíc học của người Hy
Lạp...” Để hình thành một siêu hình học về Tồn tại, Các nguyên tắc cơ bản,
về thực chất, là hiện thân của học thuyết các phạm trù: nguyên nhân chẳng
qua chỉ là sự phản ánh của cái “bởi vì”, và bộ máy các phạm trù của
Aristoteles về giống, loài, đặc điểm riêng được chuyển thành một hệ thống
thứ bậc các thực thể hay các lực được hình dung một cách khách quan (tr.
xxv). Với một số những cải tiến, sự cáo buộc tương tự đã được dùng để
chống lại Hegel, nhất là bởi Schelling.
Một nguồn suối trực tiếp hơn của cấu trúc nhịp ba nơi Hegel là ý
tưởng cho rằng hạn từ thứ ba là sự khắc phục hay tổng hợp hai mặt đối lập.
Ý tưởng này hơi khó thấy ở các nhà Plato-mới, nhưng lại nổi bật ở Kant và
đặc biện là ở Fichte. Trong PPLTTT, các phạm trù xuất hiện thành bốn
nhóm, mỗi nhóm ba phạm trù, (cho dù chỉ hai trong bộ ba, tức hai phạm trù
đầu tiên - nhất thể/đa thể và thực tại/phủ định - là có thể được coi như các
cái đối lập), còn “phạm trù thứ ba trong mỗi nhóm nảy sinh từ sự nối kết
[Verbindung] của phạm trù thứ hai với phạm trù thứ nhất” (PPLTTT, B111).