TỪ ĐIỂN TRIẾT HỌC HEGEL - Trang 343

Mỗi một trong số bốn nghịch lý (PPLTTT, A426 và tiếp, B454 và tiếp) gồm
một Chính đề và một Phản đề, nhưng Kant không trình bày giải pháp của
riêng ông như là một Hợp đề (“Hợp đề”, ở Kant, thường quy chiếu tới “sự
tổng hợp của (một) cái đa tạp cảm tính”, trái với “phân tích”, chứ không
phải với “chính đề” hay “phản đề”). Thường thì hạn từ thứ ba làm trung
giới cho hai hạn từ kia: TRÍ TƯỞNG TƯỢNG (Einbildungskraft) thu nhận
chất liệu từ cảm năng, nhưng, cũng giống như GIÁC TÍNH, là tự khởi, và
vì thế trung giới, hay nối kết, hai hạn từ kia. Thuật ngữ “chính đề”, “phản
đề” và “hợp đề”, và sự vận động nhịp ba tương ứng, xuyên suốt trong
HTKH của Fichte. Nhịp ba ban đầu là (1) sự tự-THIẾT-ĐỊNH của cái Tôi;
(2) sự thiết định đối lại của cái không-Tôi; và (3) sự thiết định của cái
không-Tôi khả phân đối lập với cái Tôi khả phân. Schelling cũng ưu ái các
nhịp ba. Cái TUYỆT ĐỐI tự biểu hiện mình trong hai Potenzen (“sức
mạnh, uy lực”), sức mạnh của cái thực tồn (TỰ NHIÊN) và sức mạnh của
cái Ý THỂ (TINH THẦN), và bản thân nó là sự không phân biệt giữa thực
tồn và ý thể. Mô hình này được lặp lại trong các hạn từ theo sau. Tự nhiên
gồm một sức mạnh thực tồn (vật chất) và sức mạnh ý thể (ánh sáng), và
một sức mạnh không phân biệt (CƠ THỂ), và tinh thần cũng thế: nhận
thức, hành động và NGHỆ THUẬT. Mỗi một hạn từ ấy lại được chia ra và
phân nhỏ thành ba theo cùng nguyên tắc ấy.

Hegel không áp dụng các thuật ngữ “chính đề”, “phản đề” và “hợp đề”

cho các cấu trúc nhịp ba của riêng ông, và chỉ sử dụng chúng khi nghiên
cứu về các cấu trúc nhịp ba của Kant. Nhưng ông hàm ơn nhiều đối với
phương thức nhịp ba của Fichte, và thường mô tả phương thức của riêng
ông là phương thức vượt qua những sự đối lập bằng LÝ TÍNH BIỆN
CHỨNG và LÝ TÍNH TƯ BIỆN. Điều này thích hợp với phần thứ nhất của
KHLG, - một quyển sách phảng phất ý tưởng của thuyết Plato mới -, hơn là
với phần thứ hai nơi sự vận động tiến lên bằng sự phản tư, hay với phần thứ
ba nơi sự vận động tiến lên bằng sự PHÁT TRIỂN, đặc biệt là của cái PHỔ
BIẾN sang cái ĐẶC THÙ và cái CÁ BIỆT.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.