THỰC) và cái phải là. (2) Nó chứa một sự quy thoái vô hạn tồi.
1. Hegel bác bỏ mọi yêu sách rằng thế giới, trạng thái hiện thời của thế
giới, hay trạng thái hiện thời của xã hội là cái gì hoàn toàn khác với cái
phải là, mà không biết rằng yêu sách ấy có làm nảy sinh một sự quy thoái
vô hạn hay không.
(a) Cho dù một yêu sách như thế là đúng đi chăng nữa thì cũng không
có ai ở vào vị trí đó để thực hiện nó: không có một chuẩn mực nào thuộc
thế giới khác để ta có thể dựa vào đó mà khẳng định thế giới này; tiêu
chuẩn để xét đoán thế giới hay một xã hội phải được tìm thấy ở bên trong
thế giới và xã hội ấy, và do đó không thể là cơ sở để hoàn toàn bác bỏ thế
giới và xã hội. Người có khả năng tốt nhất để thâm nhập vào xã hội của
mình xét như một toàn bộ chính là triết gia, vì triết gia giữ một khoảng cách
nào đó đối với nó và không chỉ tiếp cận được các xã hội và các giai đoạn
lịch sử khác, mà còn tiếp cận được cấu trúc thuần lý của mọi sự việc.
Nhưng triết gia chỉ xuất hiện trên sân khấu khi sự việc đã diễn ra rồi, và
nhiệm vụ của triết gia chủ yếu là hồi cố (và, theo Hegel, là hòa giải).
(b) Không có một yêu sách nào như thế đã từng là đúng cả, vì không
thể có một khoảng cách triệt để nào giữa lý tính (hay Ý NIỆM) và hiện
thực. Hegel hòa trộn thần học (thế giới được ngự trị bởi Thiên Chúa Quan
phòng), siêu hình học (thế giới nhuốm màu TƯ TƯỞNG và có thể hiểu
được bằng lý tính) và sự đánh giá (thế giới là tốt). Ông không cho rằng thế
giới tại bất cứ giai đoạn nào cũng đều hoàn hảo, mà cho rằng thế giới tự sửa
chữa những khiếm khuyết của nó trong tiến trình vận động về phía trước,
không cần đến sự phê phán hay điều chỉnh của người quan sát bên ngoài.
2. Hegel gắn cái phải là với quan niệm về GIỚI HẠN, CHẾ ƯỚC và
TÍNH HỮU HẠN: Một sự chế ước, về căn bản, là một cái gì đó buộc phải
được vượt qua, và, ngược lại, nếu một cái gì đó buộc phải được vượt qua,
thì điều này hàm ý một sự chế ước hay một sự cản trở nào đó cần phải bị
vượt qua. Do đó, đối với Hegel, cái phải là không chỉ là một cái phải là