Phán đoán và Mệnh đề [Đức: Urteil und Satz; Anh: judgment and
proposition]
Cần phân biệt hai từ “phán đoán” và “mệnh đề”:
1. Danh từ Urteil xuất phát từ động từ urteilen (phán đoán). Ở đây,
tiếp đầu ngữ ur- không có nghĩa là “nguyên thủy”, mà có nghĩa giống tiếp
đầu ngữ er- (xem HIỆN TƯỢNG), như trong erteilen (cho, thưởng). Vì thế,
erteilen nguyên nghĩa là “cho, giao” và một Urteil là cái gì đó được mang
lại hay được giao. Urteil sau này được giới hạn vào “phán quyết, tuyên án”
pháp lý và tiếp tục là một thuật ngữ luật pháp cho đến thế kỷ 17, khi
Leibniz bắt đầu ban cho nó nghĩa “phán đoán”. Wolff định nghĩa nó như là
sự nối kết lô-gíc hay phân chia lô-gíc giữa hai hay nhiều KHÁI NIỆM. Do
đó, Urteil là một thực thể lô-gíc, chứ không phải thực thể ngữ pháp, và
khác với câu. Trong tiếng Đức thông thường, Urteil, urteilen và động từ
tương tự là beurteilen (phán xét, phê bình) vẫn giữ màu sắc là đánh giá hay
phán xét.
Leibniz cũng du nhập vào triết học chữ mới được tạo ra thời ông là
Urteilskraft (quan năng hay năng lực phán đoán). Kant định nghĩa quan
năng phán đoán (phân biệt với GIÁC TÍNH là quan năng của các quy tắc)
là quan năng thâu gồm các sự vật vào dưới các quy tắc, tức là quan năng
quyết định xem các quy tắc có được áp dụng hay không. Nếu quy tắc là sẵn
có, thì phán đoán là XÁC ĐỊNH (bestimmend), nhưng nếu chỉ có cái đặc
thù là được mang lại, và nhiệm vụ là phải tìm ra một quy tắc để áp dụng
cho nó, thì phán đoán là PHẢN TƯ (reflektierend). Kant xem năng lực
phán đoán là cốt yếu cho việc đánh giá các tác phẩm NGHỆ THUẬT, đòi
hỏi năng lực phán đoán THẨM MỸ (ästhetische), và đối với các sinh thể
hữu cơ thì đòi hỏi phải có năng lực phán đoán mục đích luận
(teleologische).
Các phán đoán mệnh đề được các học giả và Kant phân loại như sau: