không là hư vô”, chứ không thể biểu đạt sự đồng nhất-trong-sự khác biệt
của tồn tại và hư vô. Điều này phản ánh một phần việc Hegel phụ thuộc vào
Lô-gíc học truyền thống, vốn, như ông nghĩ, không thể đối xử thỏa đáng
đối với các câu của chính ông (hay cho phần nhiều cách nói phi triết học và
phi triết học Hegel). Nhưng nó cũng nảy sinh từ việc ông tin rằng phán
đoán chứa đựng một sự phân chia bản chất, vốn xung đột với CHÂN LÝ
tối hậu về (hay “của”) vũ trụ.
Hoàng Phú Phương dịch
Phân
loại/Phân
chia
(sự)
[Đức:
Einteilung;
Anh:
classification/division]
Quan tâm của Hegel đến sự phân chia hay phân loại gồm hai phương
diện. Thứ nhất, là những phương thức để ta tập hợp những cá thể, chẳng
hạn cây cối và thú vật, thành những loài, và những loài này, đến lượt
chúng, thành những giống hay chi rộng hơn. Quan tâm đến phương thức
này đã bắt đầu với Plato và nhất là Aristoteles, mà bản thân Aristoteles
cũng là nhà sinh vật học xuất sắc và là tác giả của nhiều ý tưởng của chúng
ta liên quan đến loài, giống và sự phân loại nói chung. Thứ hai, các triết gia
Đức, nhất là Kant, quan tâm đến việc tư tưởng và công trình của họ không
thể được tiến hành một cách tùy hứng từ chủ đề này sang chủ đề khác, mà
ngược lại, phải tạo ra một hệ thống được khớp nối cẩn thận. Đặc biệt,
Hegel nhấn mạnh rằng triết học phải có tính hệ thống, và một hệ quả của
điều này là các tác phẩm của ông thường thoạt đầu nêu một khái niệm
chung về chủ đề, rồi phân chia chủ đề này thành ba thành tố, và mỗi thành
tố lại phân thành ba tiểu thành tố và cứ thế cho đến khi chủ đề được tát cạn
hết theo những mục đích của ông. Các nguyên tắc của những sự phân chia
nối tiếp nhau này và của cấu trúc nảy sinh từ đó là cực kỳ quan trọng đối
với Hegel và khiến ông quan tâm suốt đời.