với những phương thức họ đang được cai trị trong các xã hội hiện thực.
Trái lại, ông tỏ ra có thiện cảm hơn với quan niệm, bắt nguồn từ
Aristoteles, rằng một số nguyên lý tổng quát có thể được rút ra từ việc xem
xét con người như là một thực thể xã hội, và rằng tuy các nguyên lý này
phần lớn là nền tảng cho trật tự xã hội và chính trị hiện tồn, chúng cũng có
thể được sử dụng cho việc thẩm định bên trong và cho việc cải thiện xã hội.
Nhưng, ông phân biệt quan niệm này với Naturrecht nói chung. Trong BKT
III §502, ông cho rằng Naturrech quy chiếu một cách hàm hồ đến hai quan
niệm, liên quan đến hai nghĩa khác nhau của “tự nhiên” (Natur):
(a) Nếu “tự nhiên” được dùng để tương phản với “tinh thần” và “xã
hội”, thì Naturrecht là Recht (“quyền hạn”) có được trong “trạng thái tự
nhiên” (Naturzustand). Bấy giờ, xã hội dân sự và nhà nước đòi hỏi phải
giới hạn sự tự do và các quyền tự nhiên của ta. Nhưng, theo ông, pháp
quyền và các quyền hạn chỉ có được ở trong xã hội: “trạng thái tự nhiên là
trạng thái của bạo lực và của sự phi pháp hay vô luật pháp (Unrecht)”.
(b) Nếu “tự nhiên” được dùng để chỉ “bản chất” của pháp quyền, thì
Naturrecht là Recht đúng như nó được quy định bởi khái niệm về pháp
quyền. Theo nghĩa này, Naturrecht (“pháp quyền tự nhiên”) không phải là
“tự nhiên” theo nghĩa (a), và phải dựa trên cơ sở của “nhân cách hay tính
nhân thân tự do”.
Lý thuyết (b) chính là lý thuyết của Hegel. Tuy nhiên, ngay cả quyền
của nhân cách tự do cũng là một sản phẩm lịch sử của Đế quốc La Mã, và
không được thực hiện ở mọi nơi và mọi thời, chẳng hạn, trong Hy Lạp cổ
đại. Ông bác bỏ (a), không chỉ vì sự gắn kết của nó với “trạng thái tự
nhiên” giả tưởng, mà còn vì nó đánh giá quá cao ý chí đặc thù của cá nhân.
Tự do không phải ở chỗ tự do làm theo ý thích, mà ở chỗ là con người được
phát triển một cách đầy đủ.
Trong nhà nước hiện đại, cá nhân có một số quyền hạn “trừu tượng”
và “hình thức” không thể xuất nhượng (unveräusserlich/Anh: unalienable)