bộ chủ từ (ví dụ Socrates), chứ không phải cho một bộ phận của chủ từ ấy,
như trong trường hợp của phán đoán đặc thù. (Điều này, cùng với sự kiện là
tính cá biệt biểu thị sự nhất thể, tương phản với “việc tách ra” của tính đặc
thù, phần nào giải thích quan niệm của Hegel khi ông cho rằng tính cá biệt
là sự khôi phục tính phổ biến ở cấp độ cao hơn).
Trong Lô-gíc học truyền thống, không có cái gì có thể vừa mang tính
cá biệt vừa mang tính phổ biến cả. Nhưng trong cách dùng ít tính hình thức
hơn thì một cái cá biệt có thể được coi là phổ biến: Krug lập luận rằng một
DÂN TỘC (Volk), tương phản với các dân tộc khác, là cái gì đó đặc thù
(etwas Besonderes), nhưng khi được coi là một cái toàn bộ và tương phản
với những cá nhân mà nó bao hàm thì nó là phổ biến. Hegel dùng chữ
allgemein theo cách tương tự. Trong HTHTT, I, cái “ở đây” và cái “bây
giờ” là phổ biến, không chỉ vì các thuật ngữ này áp dụng cho bất cứ một
không gian và thời gian nào, mà vì bất cứ phạm vi nào của không gian
được gọi là “ở đây” đều chứa đựng những phạm vi nhỏ hơn, mà mỗi một
phạm vi nhỏ hơn ấy đều có thể được gọi là “ở đây”, và bất cứ một quãng
thời gian nào được gọi là “bây giờ” đều chứa những quãng thời gian ngắn
hơn, vốn cũng là “những cái bây giờ”. Cái Tôi là phổ biến không chỉ vì ai
ai đều là một cái Tôi (BKT I, §20), mà còn vì nó là một “chỗ chứa” mọi
quan niệm của ta, v.v. (BKT I, §24A.1). Vì thế, “cái phổ biến” gần với cái
“TOÀN BỘ”, “bao hàm” (tất cả), hay “toàn diện”. Một lý do khác cho tính
phổ biến của cái Tôi, đó là nó “trống rỗng” hay vô quy định (không được
quy định). Vì thế, Hegel cũng liên kết tính phổ biến với tính đơn giản, tính
không được quy định hay không có đặc điểm riêng. Ông coi tính phổ biến
(như KHÁI NIỆM) là sự phát triển từ tính đơn giản không được quy định
thành tính toàn diện phong phú trong đó nó trùng khít với tính cá biệt. (So
sánh: universaler Mensch, “con người phổ quát” (hay con người “Phục
hưng”), tức con người của những tài năng và những mối quan tâm toàn
diện, nhưng cũng là của tính cá biệt nổi bật).