Những cái cá biệt, về mặt Lô-gíc học, nhận thức luận và/hay bản thể
học, thường được coi là thấp hơn những cái phổ biến, nhất là nơi những
người ủng hộ quan niệm của Plato rằng những MÔ THỨC, Ý NIỆM hay
cái phổ biến có trước những cái cá biệt. Những cái cá biệt có được tư cách
đáng kính hơn về mặt lô-gíc từ việc định đề hóa đối với các mô thức cá
biệt, cũng như các mô thức phổ biến (Plotinus), đối với các bản chất cá biệt
(haecceitas, “cái đây này”, của Duns Scotus), và đối với khái niệm về mỗi
cái cá thể khác biệt với khái niệm về bất kỳ một cái cá biệt nào khác
(Leibniz). Hegel bác bỏ những nỗ lực gán cho cái cá biệt một vị thế ngang
bằng và “phối hợp” với vị thế của cái phổ biến nói trên. Đối với ông, TƯ
TƯỞNG và NGÔN NGỮ gắn liền với những cái phổ biến, chứ không thể
quy chiếu đến những cái cá biệt độc nhất, vì các thuật ngữ như “cái Tôi”
“này” và “cái cá biệt này” đều là những thuật ngữ phổ biến (BKT, I, §20).
Những cái cá biệt nhận được vị thế của chúng từ tính phổ biến được bao
hàm trong chúng. Giống với Spinoza, ông không coi những cái cá biệt là
các tùy thể đơn thuần của BẢN THỂ.
Phong trào Khai Minh coi các cá nhân con người là thuần lý một cách
đồng dạng, những sự dị biệt cá nhân của họ chỉ là thứ yếu. Nhưng Herder
và các nhà lãng mạn đã nhấn mạnh đến Individualität độc đáo của, chẳng
hạn những con người cá biệt và các công trình NGHỆ THUẬT. Hegel thừa
nhận những sự dị biệt đặc thù giữa con người, nhưng ông lại đặt chúng phụ
thuộc vào những gì mà con người có chung với nhau. Đối với quan năng
cao nhất là LÝ TÍNH, con người về bản chất là không khác nhau: “cái hợp
lý tính là đại lộ mà ai ai cũng đi chứ không dành riêng cho kẻ nào cả”
(THPQ, §15A). Trong xã hội, lĩnh vực của tính đặc thù, tức XÃ HỘI DÂN
SỰ, phụ thuộc vào tính cá biệt của NHÀ NƯỚC, trong đó các nhu cầu và
các lợi ích đặc thù được tái hòa nhập và được vượt bỏ trong một tính phổ
biến toàn diện có tính phân thù hơn tính phổ biến đơn giản của GIA ĐÌNH.
Tính phổ biến (Allgemeinheit/Anh: universality), tính đặc thù
(Besonderheit/Anh: particularity) và tính cá biệt (Einzehnheit/singularity)