Những quy chiếu đến cả hai loại luật chính này xuất hiện xuyên suốt
các tác phẩm của Hegel. Quan niệm của ông về chúng là như sau:
1. Trong THTH, ông thường so sánh các quy luật, cả quy luật đạo đức
lẫn quy luật chính trị, một cách không mấy thiện cảm so với với tình yêu,
nhưng ông đi đến chỗ quan niệm rằng không xã hội bền vững nào mà lại
không cần luật pháp. Trong các giai đoạn đầu của LỊCH SỬ, các luật của
nhà nước không được phân biệt với các luật của thần linh hay tôn giáo:
HTHTT, VI. A, xem xét sự xung đột giữa luật người và luật thần linh trong
bi kịch và xã hội Hy Lạp.
THPQ §211 và tiếp và BKT III §529 và tiếp xem xét luật pháp trong
xã hội hiện đại. Việc quản trị luật được dành cho XÃ HỘI DÂN SỰ chứ
không cho NHÀ NƯỚC: nhà nước hay QUYỀN LỰC lập pháp của nó ban
hành các luật, nhưng mọi sự tương tác qua lại của con người trên diện rộng
đòi hỏi một bộ khung luật pháp, chứ không đơn giản là hoạt động bên trong
các ranh giới của nhà nước-quốc gia. Các luật phải là PHỔ BIẾN về hình
thức, được diễn đạt rõ ràng và xác định, được các công dân biết đến, được
đặt định bằng quyền uy, được quản trị công bằng và được thực thi có hiệu
lực, cùng với sự trừng phạt khi chúng bị vi phạm. Luật pháp phải tinh lọc,
làm rõ và phát triển các TẬP TỤC đã có từ trước; các luật hoàn toàn vi
phạm các tập tục sẽ không thể thực thi được. Vì các luật là phổ biến, nên
việc các công dân là bình đẳng trước pháp luật theo nghĩa rằng các luật áp
dụng không thiên vị cho mọi công dân là một “sự lặp thừa hay trùng phức”
(BKT III, §539). Nhưng “xét trên phượng diện cụ thể của cái cụ thể, các
công dân... là bình đẳng trước luật chỉ trong những phương diện mà trong
đó họ vốn đã bình đẳng bên ngoài pháp luật”. Trong chừng mực các công
dân là khác nhau một cách đáng kể, thì luật quy định cho họ những nghĩa
vụ và quyền hạn khác nhau.