nhân thân (THPQ, §36). Ở giai đoạn này, những quyền hạn, chỉ là những
quyền hạn mang tính hình thức hay phủ định: quyền không bị vi phạm về
tính nhân thân và những gì được rút ra từ tính nhân thân (THPQ, §38).
Quyền chủ yếu của một nhân thân, theo nghiên cứu của Hegel, là
quyền sở hữu. Điểm mấu chốt của sự sở hữu không phải để thỏa mãn
những nhu cầu vật chất: nó chính là để phát triển hay hoàn thiện tính nhân
thân của mình. Tính nhân thân với tư cách ấy, trái với thế giới tự nhiên mà
con người đang đối mặt, thì hoàn toàn mang tính chủ quan: cần hiện thực
hóa bản thân mình trong thế giới ngoại tại bằng cách yêu sách rằng một bộ
phận của nó là của riêng mình. Do đó nhân thân có quyền được làm điều
này và với bất kỳ cái gì mình sở hữu. Nghiên cứu của Hegel về việc thủ đắc
sở hữu, vì thế, tương tự với nghiên cứu của ông về TỰ-Ý-THỨC: đứng
trước một thế giới khách quan xa lạ, cái Tôi trần trụi phải chiếm lĩnh thế
giới, dù là theo nghĩa đen hay nghĩa bóng, để trở thành một con người đã
phát triển đầy đủ.
Tại sao một nhân thân phải hiện thân ý chí của mình trong thế giới bên
ngoài và tại sao hành động ấy phải mang hình thức của sự chiếm hữu?
Nghĩa là, tại sao một nhân thân theo nghĩa 1(a) phải là, hoặc phải trở thành
một “nhân thân” theo nghĩa 2? Các câu trả lời tường minh của Hegel thì lại
trơ trụi và trừu tượng không làm thỏa mãn: (1) Vì lẽ nhân thân vốn là VÔ
HẠN và PHỔ BIẾN, nên việc giới ước vào tính CHỦ QUAN đơn thuần là
[tự] “MÂU THUẪN và vô hiệu”; thế nên tính nhân thân phải hành động
tích cực để VƯỢT BỎ sự giới hạn này và mang lại thực tại cho chính mình,
hay, làm cho tự nhiên bên ngoài thành của chính mình (THPQ, §39). (2)
Với tư cách là một khái niệm đơn thuần, nhân thân phải mang lại cho mình
một lĩnh vực bên ngoài của sự TỰ DO để hiện hữu như là Ý NIỆM (THPQ,
§41). Ông không du nhập ý tưởng về sự THỪA NHẬN (Anerkennung) bởi
những người khác cho đến giai đoạn muộn hơn, đó là hợp đồng, vì ý chí
bên trong của tôi, một cách đơn độc, không đủ để thủ đắc sở hữu (THPQ,