hẳn các nơi khác ở châu Âu, đan quyện với các bước phát triển về văn
chương và các ngành văn hóa khác. Những biểu hiện rõ rệt nhất của điều
này là phong trào Sturm und Drang (nghĩa đen: “Bão táp và Xung kích”)
,
và muộn hơn, là phong trào lãng mạn. Sturm und Drang là phản ứng chống
lại thuyết duy lý thời Khai minh (trong đó có Kant) trong văn học, mỹ học,
tôn giáo, lịch sử, v.v. Giống như Hegel đã làm sau này, phong trào ấy làm
nổi bật nhu cầu phải vượt qua những sự lưỡng phân gay gắt của “Giác
tính” (Verstand/Anh: understanding): chẳng hạn, giữa lý tính và tình cảm,
cũng như giữa tư duy và cảm quan. Phần lớn những khuôn mặt lãnh đạo -
Hamann, Herder, Goethe thời trẻ, và, ở ngoài lề là Schiller - đều đi hai chân
giữa văn học và Triết học. Phái lãng mạn - F. von Schlegel, Novalis, v.v. -
đều là bằng hữu của Fichte và Schelling, và các tác phẩm của họ đều được
gợi hứng bởi nhãn quan Triết học và ấp ủ tham vọng Triết học. Nhiều tác
giả khác - không dễ dàng xếp hàng vào hai loại trên như Lessing,
Hölderlin, v.v. - cũng tiêu biểu cho xu hướng muốn kết hợp giữa Triết học
và văn hóa nói chung. Thứ ba, trong thời kỳ này, nhiều triết gia tiền bối
được hồi sinh, in ấn, phiên dịch, tái diễn giải hay cải biến: Plato
,
Plotinus
, Proclus
, Böhme và phái huyền học
và Spinoza
chỉ là
những ví dụ nổi trội nhất. Nước Đức trong thời kỳ này trải nghiệm sự hồi
sinh của nền học thuật cổ điển có thể sánh ngang với thời Phục Hưng Ý. Sự
am tường xuất sắc về tiếng Hy Lạp và La-tinh đã cho phép Hegel tận
hưởng được thế mạnh này.
Georg Wilhelm Friedrich Hegel sinh năm 1770 ở Stuttgart, thủ phủ
của công tước Württemberg, ở vùng Schwaben miền Nam Đức và là một
trong nhiều quốc gia nhỏ bé của nước Đức bị phân liệt thời bấy giờ. (Suốt
đời, ông giữ nguyên giọng nói rất nặng vùng Schwaben và nhiều đặc điểm
của phương ngữ này). Ông là con đầu của một viên chức phục vụ cho Công
tước, là hậu duệ của những người tị nạn Tin Lành di cư từ nước Áo Công
giáo sang vùng Württemberg theo giáo phái Luther. Tình yêu thương của
ông đối với cô em gái, Christiane, đã ảnh hưởng và đồng thời chịu ảnh