hạn từ chính. Hai (hay ba) hình khác thay đổi trật tự của các hạn từ trong
các tiền đề (dù không thay đổi trong kết luận). Mỗi hình sau đó được phân
chia thành một số cách, dựa vào hình thức mệnh đề của các tiền đề và kết
luận. Vì thế, suy luận trên đây là ở cách 1 (thuộc hình 1) vì các tiền đề và
kết luận của nó đều là phổ biến và khẳng định.
Nghiên cứu của Hegel về suy luận, trong Lô-gíc học của ông, thay đổi
đáng kể Lô-gíc học Aristoteles và Lô-gíc học hình thức thời ông.
Aristoteles quan tâm đến những phương cách một mệnh đề có thể được rút
ra một cách có giá trị hiệu lực từ hai mệnh đề còn lại. Nhưng, phù hợp với
việc ông lý giải lại PHÁN ĐOÁN như một sự phân chia nguyên thủy của
KHÁI NIỆM thành cái PHỔ BIẾN, cái ĐẶC THÙ và cái CÁ BIỆT, Hegel
lý giải lại các hình thức suy luận như những phương cách thích đáng hơn
trong việc khôi phục sự thống nhất của khái niệm. Vì thế điều cốt yếu với
Hegel là một suy luận phải chứa đựng một hạn từ phổ biến, một hạn từ đặc
thù và một hạn từ cá biệt. Chẳng hạn, một suy luận về TỒN TẠI-HIỆN CÓ
(Dasein) theo hình 1 sẽ là:
1. Mọi người đều chết.
2. Caius là người.
3. Caius sẽ chết.
Ở đây, hạn từ trung gian, “người”, là đặc thù; hạn từ chính, “chết”, là
phổ biến; và hạn từ phụ, “Caius”, là cá biệt. Hạn từ cá biệt được nối kết với
hạn từ phổ biến bằng sự TRUNG GIỚI của hạn từ đặc thù (P-Đ-C). Hình
suy luận 2 về tồn tại-hiện có khác với hình 1 ở chỗ nó nối kết cái phổ biến
với cái đặc thù bằng cái cá biệt (P-C-Đ) và hình 3 nối kết cái cá biệt với cái
đặc thù bằng cái phổ biến (C-P-Đ). (Các hạn từ của hình 4 ít quan trọng
hơn, tức “suy luận toán học”, đều là phổ biến).