Hegel bác bỏ các cách của Aristoteles vì xem chúng là sự phức tạp
không cần thiết, và tiến hành từ suy luận về tồn tại-hiện có, trong đó các
hạn từ là “BÊN NGOÀI” NHAU và được nối kết một cách bất tất, đến suy
luận của sự PHẢN TƯ, trong đó các hạn từ được nối kết chặt chẽ hơn.
Hình thức thứ nhất là suy luận về “Tất cả” (Allheit), một phiên bản được
cải tiến của hình suy luận 1 về tồn tại-hiện có. Hình thức thứ hai là suy luận
bằng quy nạp, nối kết cái đặc thù với cái phổ biến bằng những cái cá biệt,
và hình thức thứ ba, suy luận bằng sự tương tự, hợp nhất cái cá biệt với cái
đặc thù bằng cái phổ biến.
Cuối cùng, trong suy luận về SỰ TẤT YẾU, mối quan hệ giữa các hạn
từ thậm chí còn chặt chẽ hơn nữa: suy luận nhất quyết (categorial), một
phiên bản được cải tiến của hình 1 về tồn tại-hiện có, nối kết một cái cá biệt
với giống (genus) của nó bằng loài (species) của nó (C-Đ-P). Suy luận giả
thiết (hypothetical) nối kết loài với giống bằng cái cá biệt (Đ-C-P): ví dụ
“nếu Fido là một con chó, thì Fido là một loài vật; Fido là chó; vậy Fido là
một loài vật”. Cuối cùng, suy luận phân đôi (disjunctive) nối kết cái cá biệt
với loài bằng giống (C-P-Đ), mà giống này vốn sẽ được phân chia liên tục
đến cạn kiệt thành những loài thấp hơn của nó: ví dụ “Fido, một loài vật,
hoặc là chó hoặc là mèo hoặc là ngựa, v.v.; nó không phải là mèo hay ngựa,
v.v., vậy nó là chó”. Theo Hegel, suy luận này hoàn toàn khôi phục được sự
thống nhất của khái niệm, và lúc này ta có thể chuyển sang lĩnh vực của
TÍNH KHÁCH QUAN.
Khác với Aristoteles, Hegel xem mỗi loại suy luận, trừ loại cuối, là có
những khiếm khuyết vốn chỉ có thể giải quyết bằng cách chuyển sang loại
suy luận kế tiếp. Chẳng hạn, hình 1 về tồn tại-hiện có (C-Đ-P) minh họa ở
trên có ba khiếm khuyết:
(1) Việc ta chọn “người”, “chết” và “Caius” làm các hạn từ là hoàn
toàn bất tất. Ta có thể diễn dịch tính khả tử của Caius từ các tiền đề khác
(chẳng hạn, “Mọi nông dân đều chết”, và “Caius là nông dân”). Khiếm