vậy, vũ trụ gồm Ý niệm lô-gíc (P), Tự nhiên (Đ) và Tinh thần (C): trong hệ
thống của mình, Hegel trình bày chúng theo thứ tự P-Đ-C, nhưng thứ tự
nào cũng đầy đủ ngang nhau, vì mỗi hạn từ đều trung giới cho hai hạn từ
kia.
Việc khách quan hóa đối với suy luận của Hegel là bộ phận của việc
ông chuyển dịch có hệ thống các hạn từ mà truyền thống đã nối kết với tư
duy chủ quan (chẳng hạn LÝ TÍNH, phán đoán, khái niệm, MÂU THUẪN,
CHÂN LÝ) vào trong lĩnh vực khách quan. Bởi vì, chẳng hạn, theo truyền
thống, lý tính được liên kết với suy luận; và sự vật, cũng như tư duy, có thể
là hợp lý tính và đúng thật, thì việc giả định rằng các sự vật cũng là những
suy luận là điều cũng tự nhiên thôi. Động cơ cho sự chuyển dịch này là:
THUYẾT DUY TÂM triệt để đòi hỏi rằng các sự vật không đơn giản là
những phóng chiếu tĩnh tại của TƯ TƯỞNG, mà còn là hiện thân cho các
tiến trình tư tưởng. Nhưng phù hợp với nguyên tắc của Hegel về những cái
ĐỐI LẬP, học thuyết này cũng là một thuyết cực kỳ duy thực, vì sự vật
hoàn toàn tương ứng với các tư tưởng và các hình thức-tư tưởng của ta.
Một phản bác tự nhiên đối với học thuyết này là, chẳng hạn, cho dù
nhà nước quả thực thể hiện một cấu trúc bộ ba như thế, mối quan hệ của nó
với suy luận là một quan hệ của sự tương tự bề mặt chứ không phải quan hệ
máu mủ sâu sắc gì.
Hoàng Phú Phương dịch