T
Tác phẩm Thần học Thời trẻ (các) (THTT) [Đức: Theologische
Jugendschriften; Anh: Early Theological Writings]
Đây là nhan đề của tập hợp các bản thảo thời trẻ chưa được xuất bản
của Hegel, do H. Nohl ấn hành năm 1907 và được T. M. Knox dịch một
phần sang tiếng Anh năm 1948. Những tác phẩm này khác rất nhiều cả về
phong cách lẫn nội dung so với các tác phẩm giai đoạn sau của Hegel,
nhưng chúng cho thấy rằng tư tưởng và một số khái niệm trung tâm thời kỳ
sau của ông đã xuất hiện từ những bận tâm thời trẻ của ông với TÔN
GIÁO.
Các tác phẩm này gồm ba quan niệm chính về tôn giáo:
1. Tôn giáo dân gian (Volksreligion), một quan niệm hàm ơn nhiều đối
với Herder và Hölderlin. Hình mẫu cho tôn giáo dân gian là tôn giáo Hy
Lạp cổ đại. Theo quan niệm của Hegel, tôn giáo Hy Lạp không phải là tôn
giáo phổ quát như Kitô giáo, trái lại, gắn bó mật thiết với đời sống của một
DÂN TỘC đặc thù. Nó không áp đặt những tín điều, giáo điều, quy tắc, lễ
nghi hay các định chế giáo hội mà các tín đồ của nó cảm thấy xa lạ, trái lại,
quyện chặt với đời sống của dân tộc ấy, cùng với các TẬP TỤC và lễ hội
của nó. Nó không viện đến bất kỳ quan năng riêng lẻ nào, chẳng hạn như
LÝ TÍNH, mà viện đến toàn bộ con người cá nhân, các xúc cảm và TRÍ
TƯỞNG TƯỢNG, cũng như lý tính của người ấy. Tôn giáo này được mọi
người chấp nhận một cách đơn giản và tự nhiên, và không đòi hỏi bất kỳ
hành vi TIN hay lý lẽ nào hết. Các thần linh không được xem là siêu việt,
thần bí hay độc đoán, nhưng là những thần linh từ tâm đang cư ngụ trong
thành quốc và bảo vệ thành quốc. Tôn giáo này được liên kết chặt chẽ với
TỰ DO chính trị của những người Hy Lạp, với đức hạnh, với cái đẹp của
nghệ thuật và với sự hài hòa và thanh bình của đời sống của họ. Thời trẻ,