(a) “Các đoản văn về Tôn giáo-dân gian và Kitô giáo” (1793-4).
(Nhan đề này do Nohl đặt ra). Những phần này là một sự chuẩn bị cho các
tác phẩm lớn hơn, nhưng có những thảo luận hấp dẫn về tôn giáo dân gian,
đặc biệt chịu ảnh hưởng của Herder.
(b) Cuộc đời của Đức Jesus (1795) trình bày Jesus là một người thầy
của tôn giáo luân lý thuần túy của Kant, không đề cập đến những phép màu
hay sự biến hình. Điều này xung đột với quan niệm (a), (c) và PPLTTT,
rằng Đấng Christ, không giống như Socrates, đã du nhập một yếu tố thực
định vào giáo lý của mình, chẳng hạn như quy định lễ rửa tội và niềm tin
vào chính ngôi vị của Ngài. Nhưng (c) tiền giả định quan niệm (b) về Đấng
Christ, nếu không phải về giáo lý của Ngài, rằng Ngài là thuần lý và ít
nhiều theo trường phái Kant.
(c) Tính thực định của Kitô giáo (1795-6, cùng với một phiên bản
được duyệt lại về các phần mở đầu từ 1800). Hegel hỏi rằng làm thế nào
Kitô giáo (chủ yếu là Công giáo, nhưng cũng gồm cả giáo phái Luther) đã
trở thành một tôn giáo thực định, khi nhìn từ sự đối lập của Đấng Christ với
tính thực định độc đoán của Do Thái giáo, và làm thế nào nó lại có thể thay
thế các tôn giáo dân gian thời cổ đại. Hegel trả lời rằng Đấng Christ đã phải
thỏa hiệp với Do Thái giáo để làm cho thông điệp của mình trở nên chấp
nhận được, khi viện đến ý chí và những phép màu của Thượng Đế, và rằng
Đế quốc La Mã đã phá hủy các cộng đồng tự do của người Hy Lạp và Cộng
hòa La Mã, biến các công dân của họ thành những cá nhân tư lợi bị cai trị
từ bên trên, do đó những công dân trở nên dễ tiếp nhận một tôn giáo quyền
uy: “TÍNH KHÁCH QUAN của Thượng Đế là cái đối ứng với sự suy đồi
và nô lệ của con người”.
(d) Một số đoản văn về tôn giáo và tình yêu từ 1797-8, bao gồm một
đoản văn bàn về tình yêu, lập luận rằng tình yêu có thể hàn gắn những đối
lập vốn đặc trưng cho tính hiện đại và Kitô giáo thực định.