(e) Tinh thần và số phận (Schicksal) của Kitô giáo (1798-1800). Hegel
không những phê phán tính thực định của Do Thái giáo, mà còn phê phán
cả luân lý của Kant: sự khác biệt giữa các tín đồ của một tôn giáo thực định
với một nhà luân lý tuân thủ nghĩa vụ chỉ đơn giản là “người trước có vị
chúa tể nằm ngoài bản thân họ, trong khi người sau mang theo vị chúa tể
của mình ở trong mình, dù cùng lúc lại là nô lệ của chính họ”. Hegel cho
rằng Bài giảng trên Núi “không dạy ta phải sùng kính các luật lệ;... nó trình
bày cái gì thực hiện trọn vẹn luật lệ nhưng cũng thủ tiêu luật lệ xét như là
luật lệ, vậy nên là cái gì đó cao hơn sự tuân phục luật lệ và khiến cho luật lệ
trở nên thừa thãi... Sự hội tụ giữa luật lệ với xu hướng là đời sống, và với tư
cách là mối quan hệ giữa những cái khác biệt với nhau, nó là tình yêu”.
ĐỜI SỐNG và tình yêu giữ vai trò hòa giải mà Hegel sau này sẽ dành cho
TINH THẦN. Nhưng chỉ riêng tình yêu, theo Hegel, là không đủ để cải đạo
toàn thể nhân loại, và chính điều này đã tái du nhập tính thực định: “việc
nhà thờ và nhà nước, sự thờ phụng và đời sống, lòng mộ đạo và đức hạnh,
hành động tinh thần và trần thế, có thể chẳng bao giờ hòa tan vào nhau
chính là SỐ PHẬN” của Kitô giáo.
(f) “Các đoản văn về Hệ thống năm 1800” (nhan đề của Nohl). Hai
trang còn sót lại của bản thảo này bàn về sự hợp nhất của những cái đối lập
như HỮU HẠN và VÔ HẠN, Thượng Đế và con người, CHỦ THỂ và
KHÁCH THỂ. Giải pháp, theo Hegel, là đời sống, là “sự thống nhất
(Verbindung) của sự thống nhất và sự không-thống-nhất” hay của “hợp đề
và phản đề”: Thượng Đế là sự sống vô hạn, trong đó con người, xét như các
tồn tại đang sống, cùng chia sẻ và nâng mình lên đến Thượng Đế trong tôn
giáo. Tư duy khái niệm phản tư chỉ có thể giữ vai trò dọn đường: “Triết học
phải ngừng lại khi tôn giáo bắt đầu, vì nó [triết học] là một loại TƯ DUY,
và do đó hàm ý một sự đối lập giữa tư duy và không-tư-duy, giữa nhà tư
tưởng và cái được suy tưởng; nó phải phơi mở tính hữu hạn trong mọi thứ
hữu hạn và đòi hỏi lý tính phải hoàn tất cái hữu hạn; nhất là, nó phải nhận
ra những ảo tưởng sinh ra từ [khái niệm] của chính nó [về cái] vô hạn và do
đó phải định vị cái vô hạn đúng thật bên ngoài ranh giới của nó”.