là triết học nhờ vào xung đột với GIÁC TÍNH và thậm chí còn xung đột
nhiều hơn với lương năng đơn thuần (vốn chẳng khác gì những giới hạn về
nơi chốn và thời gian của một nhóm con người); so với lương năng thông
thường thì thế giới của triết học là một thế giới đảo ngược hoàn toàn”.
Trong các tác phẩm về sau, chẳng hạn như HTHTT, Hegel vẫn còn khổ tâm
với vấn đề làm thế nào ta có thể phê phán quan điểm khác mà không đề cập
đến nó. Ông tiếp tục hạ thấp lương năng thông thường và giác tính, nhưng
vẫn nỗ lực dành một chỗ cho giác tính trong hệ thống của ông cũng như
cho những niềm tin thông thường: chẳng hạn, ông tự xem mình là đang
biện minh cho tôn giáo phát triển nhất trong các tôn giáo, đó là giáo lý của
phái Luther.
2. “Về Hệ thống của sự Đồng nhất tuyệt đối và quan hệ của nó với
thuyết Nhị nguyên gần đây nhất (của Reinhold)” (Schelling, I, 1: tháng
giêng 1802).
3. “Lương năng thông thường thay thế cho triết học, như được chỉ ra
trong Các tác phẩm của Krug, như thế nào?” (Hegel, I, 1: 1802). Wilhelm
Traugott Krug là một nhà Kant học nhạy bén có khả năng nghiên cứu phi
thường nhưng rất ít độc sáng. Vào năm 1805 ông kế tục ghế giáo sư của
Kant ở Königsberg. Ông là một nhà tự do bảo thủ và đã viết một vài cuốn
sách ủng hộ cuộc nổi dậy của người Hy Lạp chống lại người Thổ vào năm
1821. Vậy nên trong những tác phẩm về sau, ông đã phê phán châm ngôn
của Hegel rằng cái gì hiện thực thì hợp lý tính, cũng như tiên đoán rằng nếu
Hegel không viết rõ ràng hơn thì sẽ sớm mất độc giả. Krug trong tiếng Đức
nghĩa là “cái bình, cái vại”, điều này mang lại cho Hegel cơ hội để mỉa mai
những gì Krug viết là “tán nhảm bên bàn nhậu”.
Hegel điểm ba cuốn sách của Krug: (1) Các bức thư về khoa học nhận
thức (1800), phê phán thuyết duy tâm của Fichte; (2) Các bức thư về thuyết
Duy tâm mới nhất (1801), phê phán cuốn STI của Schelling; (3) Phác thảo
về một bộ Công cụ mới của triết học hay Khảo luận về các nguyên tắc của