vai trò làm khả thể hay điều kiện cho một hiện thực mới. (Ở đây, cũng như
ở những chỗ khác, Hegel khai thác động từ voraussetzen (Anh: “to
presuppose”) có nghĩa là TIỀN GIẢ ĐỊNH, nhưng nghĩa đen là “THIẾT
ĐỊNH trước”: cái bất tất được thiết định bởi cái gì đó khác, nhưng là được
thiết định trước hay được tiền giả định).
3. Các điều kiện (Bedingungen) cho cái gì đó và sự tương tác giữa
chúng là cái thực tồn (reale), chứ không chỉ là khả năng hình thức của nó.
Chỉ là khả năng hình thức khi bảo rằng cần có một pho tượng, tức làm cho
khối cẩm thạch chưa thành hình này phải là, hay phải trở thành một pho
tượng; nhưng chỉ khi nhà điêu khắc tác động lên cẩm thạch bằng cái đục
của mình, thì đây là khả thể có thật hay khả thể hiện thực (reale) của bức
tượng. Tuy vậy, khả thể có thật của cái gì đó cũng là hiện thực có thật của
nó, vì “khi mọi điều kiện đều có mặt, thì SỰ VIỆC (Sache) phải trở thành
hiện thực” (BKT I, §147). Nhưng nó không chỉ là hiện thực; nó còn là tất
yếu. Đây là sự tất yếu tương đối (hay giả thiết), tất yếu trong quan hệ với
những điều kiện nhất định. Tuy nhiên, vì sự việc xuất đầu lộ diện của sự vật
từ những điều kiện của nó bao hàm sự VƯỢT BỎ những điều kiện ấy, tức
sự thải hồi SỰ TRUNG GIỚI thành tính trực tiếp, nên nó cũng là sự tất yếu
TUYỆT ĐỐI hay vô-điều-kiện. Kant đã phủ nhận khả thể của bất kỳ cái gì
tuyệt đối tất yếu trong thế giới hiện tượng, nhưng Hegel lý giải lại khái
niệm về sự tất yếu vô-điều-kiện, sao cho nó được minh họa bằng bất kỳ
thực thể tự túc tự tồn tương đối nào đã hấp thu các điều kiện cho sự xuất
hiện của mình: một tác phẩm nghệ thuật, một SINH THỂ hữu cơ, một con
người, một NHÀ NƯỚC, v.v.
Mô tả của Hegel nhằm mục đích không những áp dụng cho sự xuất
hiện của các thực thể trong thế giới mà còn áp dụng cho NHẬN THỨC của
con người. Thế giới trình hiện cho ta vô số sự bất tất thường nghiệm.
Những cái ấy tạo nên các điều kiện cho hoạt động của nhà khoa học tự
nhiên, nhưng nhà khoa học tự nhiên không đơn giản chấp nhận chúng như
chúng đang tồn tại: bằng quan sát và thí nghiệm, nhà khoa học chiết ra