của ông Rameau” (bản dịch của Goethe xuất hiện năm 1805) [bản tiếng
Việt của Phùng Văn Tửu, NXB Tri thức, 2006] về một tên lưu manh biết sử
dụng vô vàn mánh khóe để tìm kiếm quyền lực và sự giàu có, và trong
HTHTT, VI. B, Hegel xem đó là một hệ hình của “ý thức bị giằng xé” và
của “tinh thần tự tha hóa” (sich entfremdeter Geist).
Hegel không sử dụng từ Entfremdung trước khi viết HTHTT, nhưng
một số tác phẩm thời trẻ của ông đã dự báo các quan điểm của ông về sau
này: trong khi viết về “Tình yêu” (trong THTT), “SỰ SỐNG” (giống như
“Tinh thần” trong HTHTT) trải qua tiến trình của sự thống nhất sơ khai, sự
đối lập và sự tái hợp nhất tối hậu. Tình yêu khôi phục sự thống nhất giữa
các cá nhân, cũng như giữa cá nhân và thế giới, nhưng không hoàn toàn thủ
tiêu cá nhân. Trong TTKT, giống như Schiller, Hegel xem sự bất đồng ở
bên trong ta giữa trí tuệ và xúc cảm là một giai đoạn tất yếu và cần thiết của
sự phát triển tinh thần, nhưng lại cho rằng sự tái hợp nhất này chỉ có thể đạt
được bằng tôn giáo, hiểu như là “sự phản tư đã được hợp nhất với tình
yêu”. Trong “Đoản văn về Hệ thống” (trong THTT), tôn giáo cho phép con
người siêu việt khỏi cuộc sống hữu hạn để hợp nhất bản thân mình với “sự
sống vô hạn” hay với “Tinh thần” vốn tràn ngập thế giới.
Nhưng, trong KBFS, Hegel lại chủ trương rằng chính triết học, với tư
cách là LÝ TÍNH (tương phản với GIÁC TÍNH) chứ không phải tôn giáo
(hay NGHỆ THUẬT) mới có thể hòa giải sự Entzweiung [sự phân đôi/sự
mất thống nhất] đã diễn ra trong sự phát triển của văn hóa. Một sự
Entzweiung như thế - “sự xuất hiện của ý thức ra khỏi cái toàn thể, sự phân
đôi thành tồn tại và không-tồn-tại, thành khái niệm và tồn tại, thành sự hữu
hạn và vô hạn” - là một trong hai “tiền- giả-định” của triết học, còn “tiền-
giả-định” kia là “bản thân cái tuyệt đối... là mục tiêu cần được tìm kiếm,
nhưng thực ra đã hiện diện”: “nhiệm vụ của triết học là phải hợp nhất các
tiền-giả-định này để thiết lập tồn tại ở trong cái không-tồn-tại - như là sự
trở thành; thiết lập sự phân đôi ở trong cái tuyệt đối - như là hiện tượng;
thiết lập cái hữu hạn trong cái vô hạn - như là sự sống”. Một phương diện