của việc vượt bỏ sự tha hóa là sự hòa giải (Versöhnung) với HIỆN THỰC
trong HPĐ.
HTHTT bao hàm hai phác họa đầy ấn tượng về sự tha hóa. Hình ảnh
thứ nhất gần giống với quan niệm sau này của Feuerbach về “Ý THỨC bất
hạnh, bị phân đôi ở bên trong nội tâm (entzweite)” của Kitô giáo sơ kỳ và
trung đại; ý thức ấy xem chính mình như là cái biến dịch và không bản
chất, vì thế phóng chiếu phương diện phổ biến, bản chất và bất biến của
mình vào cho một Hữu thể siêu việt và đi tìm sự hợp nhất với Hữu thể ấy
(HTHTT, IV. B) (TTKT đã mô tả tôn giáo của Abraham theo cách tương tự).
Hình ảnh thứ hai diễn ra trong HTHTT, VI, nhất là B.I, trong đó ĐỜI
SỐNG ĐẠO ĐỨC chưa bị tha hóa của Hy Lạp cổ đại đã suy tàn, trước hết
thành thuyết nguyên tử của những cá nhân có quyền hạn ngang nhau trong
Đế quốc La Mã, rồi thành “thế giới của Tinh thần tự-tha-hóa (sich
entfremdete)”. Thế giới này (được Hegel dõi theo từ sự sụp đổ của La Mã
cho đến Cách mạng Pháp) được đánh dấu bởi sự phân ly: giữa thế giới hiện
thực và một thế giới bên kia được ĐỨC TIN (Glaube/Anh: Faith) hình
dung như là BẢN CHẤT của thế giới hiện thực; giữa cá nhân TỰ-Ý-
THỨC hay TỰ GIÁC và BẢN THỂ xã hội; giữa quyền lực nhà nước và sự
giàu có. Mỗi yếu tố trong các yếu tố này vừa xa lạ với nhau, vừa phụ thuộc
vào nhau. Sự tương tác giữa chúng diễn ra trong hình thức của ĐÀO
LUYỆN VĂN HÓA (Bildung/culture): một nhân thân đánh mất hay tha
hóa cái tự ngã đơn thuần tự nhiên của mình và chỉ có được giá trị của mình
tỉ lệ thuận với sự đào luyện văn hóa đã sở đắc được.
R. Schacht, trong Alienation (1971, tr. 37 và tiếp) cho rằng trong
HTHTT, VI. I, Hegel sử dung từ Entfremdung cho hai hiện tượng khác biệt
nhau: (1) sự kiện rằng bản thể xã hội là xa lạ với cá nhân; (2) sự tha hóa
của cá nhân hay sự phục tùng của tự ngã đặc thù của cá nhân và sự đồng
nhất hóa với bản thể phổ biến [xã hội]. (Theo Schacht, chính Entfremdung
theo nghĩa (2) chứ không phải theo nghĩa (1) mới có thể hoán vị với chữ
Entäußerung. Schacht cũng cho rằng sự tha hóa (2) của cá nhân - bằng cách