nếu chúng ta muốn đi xa hơn chỗ bắt đầu, nhưng ngay cả năng lực của
Descartes và của Fichte trong việc đưa ra những yêu sách như thế, và năng
lực của chúng ta trong việc hiểu chúng, cũng bao hàm rất nhiều tiền giả
định có tính lịch sử và văn hóa.
Hegel không chỉ bận tâm với việc đưa ra một nghiên cứu về thế giới
mà thuyết hoài nghi không thể công kích được, mà còn nhằm mang lại một
nghiên cứu hoàn chỉnh, tức một nghiên cứu bao gồm cả việc nghiên cứu về
những tiền giả định của sự xuất hiện và tính khả niệm riêng của nó.
Hegel có nhiều câu trả lời cho vấn đề này:
(1) Trong chừng mực có thể, ông cố gắng tránh việc đưa ra những giả
định; thí dụ, ông khước từ việc giả định CÁC QUY LUẬT của TƯ DUY,
chẳng hạn như luật [cấm] MÂU THUẪN. Những giả định như ông nêu ra,
thí dụ như khái niệm về TỒN TẠI thuần túy trong Lô-gíc học hay SỰ XÁC
TÍN CẢM TÍNH trong HTHTT, ông coi là hầu như trống rỗng.
(2) Thường thường (chẳng hạn, trong HTHTT và KHLG) ông ám chỉ
rằng không phải ông, Hegel, là người khai triển sự việc (Sache), mà chính
sự việc khai triển hay xem xét chính nó, trong khi đó Hegel và những độc
giả của ông chỉ đơn thuần quan sát mà thôi. Từ điều này ta không suy ra
rằng sự việc không có tiền giả định nào, mà suy ra rằng không phải ông,
Hegel, là người đưa ra những tiền giả định này. (Lập trường khách quan
này là một lý do để Hegel bỏ qua sự phân biệt giữa những tiền giả định
nhận thức và các loại hình tiền giả định khác).
(3) Hegel cho rằng kết quả của một diễn trình PHÁT TRIỂN bao gộp
hay THẢI HỒI những bước đi dẫn đến nó. Vì thế, Ý NIỆM tuyệt đối chẳng
hạn, vốn là kết quả lô-gíc, không đơn giản là khâu cuối cùng của chuỗi các
phạm trù tách biệt: trái lại, nó bao gồm cả tồn tại, v.v. và (nghiên cứu về)
phương pháp lô-gíc trong bản thân nó. Vì các tiền giả định của kết quả chỉ