Đinh Hồng Phúc dịch
Thời gian, Không gian và Vĩnh hằng (sự) [Đức: Zeit, Raum,
Ewigkeit; Anh: time, space and eternity]
Các quan niệm của Hegel về không gian, thời gian, vĩnh hằng hàm ơn
người Hy Lạp cổ đại nhiều không kém gì các triết gia cận đại. Trong Đối
thoại Timaeus, Plato xem không gian (chora) là một “vật chứa” trong đó
genesis (“sự biến dịch”) của các sự vật vật chất diễn ra (đối lập với các
HÌNH THỨC/MÔ THỨC hay các Ý NIỆM là nguyên mẫu của chúng).
Trong Vật lý học, Aristoteles tập trung vào vị trí (topos) được chiếm bởi
một vật thể: nó không đồng nhất với vật thể, vì vật thể có thể thay đổi vị trí
của nó; nó là GIỚI HẠN bất động trực tiếp của vật thể được chứa đựng”.
Trong Cộng hòa, Plato nói về “hành trình linh hồn đi lên vị trí khả niệm
[noeton topon]”. Trong thuyết Plato sau này, vị trí này trở thành “vị trí của
các mô thức”, và đôi khi được đặt ngang hàng với tinh thần của Thượng
Đế. Giống như “không gian lô-gíc” của Wittgenstein, nó là sự tương tự về
không gian của “cái vĩnh hằng”.
Sự phân biệt giữa thời gian (chronos) và sự vĩnh hằng (airon) là mặc
nhiên nơi Parmenides, người đã phủ nhận sự “biến dịch”, và vì thế, phủ
nhận quá khứ và tương lai, bằng cách cho rằng mọi vật là đồng thời trong
cái hiện tại. Trong Timaeus của Plato, và trong thuyết Plato-mới nói chung,
thời gian là một “hình ảnh chuyển động [eikon] của cái vĩnh hằng”. Cái
vĩnh hằng là đặc trưng của các mô thức; nó là phi thời gian, và loại trừ sự
sử dụng các động từ ở thì quá khứ và thì tương lai. Thời gian được đồng
nhất hóa với sự xoay vòng theo định kỳ của khối thiên cầu, được khởi động
bởi đấng hóa công thần thánh (Demiurge). Đối thoại Parmenides của Plato
nêu ra những câu đố về thời gian, ví dụ, vị thế của “cái bây giờ” (to nun),
cái khoảnh khắc hay cái hiện tại dồn vào một điểm. Quyển đối thoại này