(1) Những cách sử dụng Geist quan hệ với nhau một cách có hệ thống,
và đó là nhờ hoạt động của bản thân Geist. Nhưng cái Geist năng động có
tính chuẩn mực là Geist chủ quan, nói cách khác, vừa là “tâm trí” (Anh:
“mind”) vừa là “tinh thần” (Anh: “spirit”).
(2) Bối tảng thần học của Geist của Hegel gợi ý rằng nó là một “tâm
trí”, cũng như là một “tinh thần”.
(3) Hegel thường nhân cách hóa Weltgeist: “tổng công trình sư cho lao
động của hàng thiên niên kỷ này là MỘT Geist sống động [duy nhất], mà
bản tính tư duy của nó là đi đến chỗ có ý thức về tinh thần ấy đang là gì, và
khi điều này trở thành ĐỐI TƯỢNG của nó, thì tinh thần lập tức được nâng
lên cao hơn điều này và đã ở vào một cấp độ cao hơn” (BKT I, §13).
Tuy nhiên, vì nó là hoạt động chứ không phải là một vật, và, là cái vô
hạn đúng thật, nó không tách biệt hoàn toàn với cái hữu hạn. Geist không
thể đơn giản siêu vượt khỏi các hiện tượng của thế giới, và rất khó phân
biệt nó với cấu trúc lô-gíc của các hiện tượng này. Yêu sách của Hegel rằng
Geist là cái tuyệt đối không có nghĩa là mọi thứ đều mang tính tâm trí [tinh
thần cá nhân] hay là sản phẩm của tâm trí của riêng ta, mà là: (a) hệ thống
được hợp nhất của các TƯ TƯỞNG và các cấu trúc thuần lý tạo nên cốt lõi
của Geist (chủ quan) cũng nội tại ở trong giới tự nhiên và trong sự phát
triển của bản thân Geist; và (b) tinh thần/tâm trí “bao trùm” (übergreift) và
Ý THỂ HÓA những gì là khác với tinh thần, bằng các hoạt động nhận thức
và thực tiễn của nó.
Huỳnh Duy Thanh dịch
Tinh thần [cá nhân] và Tâm hồn/Linh hồn [Đức: Geist und Seele;
Anh: mind and soul]