Không có từ duy nhất nào trong tiếng Đức bao quát hết được nghĩa
của chữ “mind” [tinh thần] trong tiếng Anh, nhưng có nhiều chữ cùng chỉ
nghĩa ấy. Các chữ thường dùng nhất là Gemüt, Seele và Geist.
1. Gemüt [tâm thức] nguyên nghĩa là “toàn bộ các TÌNH CẢM, CẢM
GIÁC và TƯ TƯỞNG của con người”, rồi sau đó có nghĩa là “trú sở của
các tình cảm, v.v. của con người”. Eckhart, Paracelsus và Böhme dùng chữ
này để chỉ tinh thần cá nhân hay TINH THẦN nói chung, và cũng chỉ sự
rút lui vào BÊN TRONG hay tính bên trong (Innerlichkeit) của tinh thần.
Với Leibniz và những người theo ông, tâm thức gồm cả năng lực suy
tưởng, hay GIÁC TÍNH, lẫn Ý CHÍ. Kant (và Schiller) dùng chữ này theo
một nghĩa rộng tương tự bao gồm các tình cảm, cảm giác, và tư tưởng: ông
định nghĩa nó là năng lực CẢM GIÁC (emfinden) và tư duy, và nói rằng
các mô thức TRỰC QUAN (KHÔNG GIAN và THỜI GIAN) nằm trong
tâm thức.
Ở thời ấy, Gemüt [tâm thức] là một thuật ngữ rộng hơn Geist, chữ này
vốn mang nhiều tính trí tuệ hơn, nhưng dưới sức ép của Geist (và cả dưới
sức ép của các nhà LÃNG MẠN), hàm ý về độ sâu xúc cảm bên trong nằm
mặc nhiên trong cách dùng chữ Gemüt của các nhà huyền học, nhưng bị
thời Khai minh loại bỏ, thì nổi trội hơn. Vì thế, Fichte phát biểu rằng trong
khi tiếng Pháp có esprit (tức tương đương với Geist trong tiếng Đức), thì
tiếng Đức có Gemüt (linh hồn, trái tim, trú sở của các xúc cảm nồng ấm,
trên quy mô lớn). Các nhà lãng mạn như Novalis xem Gemüt là nguồn suối
của thi ca: “Thi ca là bức chân dung về Gemüt, về thế giới bên trong tính
toàn thể của nó” và “sau cùng khi mọi thứ trở thành thi ca, chẳng lẽ thế giới
rốt cục không trở thành Gemüt sao?”. Hegel sử dụng Gemüt theo nghĩa hẹp
hơn là “trú sở của xúc cảm”, và đặc biệt nối kết nó với MỸ HỌC.
2. Seele [Linh hồn/Tâm hồn] tương ứng với chữ Hy Lạp psuchē, chữ
La-tinh anima và chữ soul trong tiếng Anh. Hegel sử dụng chữ này theo
nhiều cách: