totality and moments]
Tính từ ganz trong tiếng Đức có nghĩa “toàn thể, toàn bộ” (Anh:
“whole”, “entire”), danh từ phái sinh của nó là das Ganze (cái toàn bộ).
Thông thường, das Ganze là đối ứng với (die) Teile (các bộ phận, hoặc ở
dạng số ít là phần, phần chia), liên kết với động từ teilen (phân chia, chia
sẻ). Điều này ngụ ý cái toàn bộ có thể phân chia thành những bộ phận.
Hegel sử dụng das Ganze theo hai nghĩa:
1. Trong Lô-gíc học, sự đối ứng giữa toàn bộ và (các) bộ phận là phạm
trù thứ nhất của TƯƠNG QUAN (Verhältnis) (BKT I, §135). Một cái toàn
bộ thiết yếu bao gồm các bộ phận, nhưng điều này làm nảy sinh vấn đề:
“mối tương quan giữa toàn bộ và bộ phận là KHÔNG ĐÚNG THẬT,
chừng nào KHÁI NIỆM và thực tại của nó còn chưa tương ứng với nhau.
Khái niệm về cái toàn bộ phải bao hàm các bộ phận; nhưng nếu cái toàn bộ
được thiết định là cái phù hợp với khái niệm của nó, thì nếu nó bị phân chia
hay phân ly, nó không còn là cái toàn bộ nữa” (BKT I, §135A). Như vậy,
cái toàn bộ và các bộ phận của nó vừa thiết yếu gắn liền với nhau, vừa độc
lập với nhau. Trong KHLG, Hegel coi MÂU THUẪN này như là nguồn gốc
của Nghịch lý thứ hai của Kant: có thể chứng minh thế giới vừa có thể phân
chia tới VÔ TẬN, vừa bao gồm các bộ phận không thể phân chia. Tuy
nhiên, Hegel cố gắng giải quyết vấn đề này cũng như nghịch lý của Kant
bằng cách quay về khái niệm LỰC (Kraft) và sự ngoại tại hóa của nó.
Hegel biện giải, điều này không có nghĩa là trên thế giới không có
những cái toàn bộ được cấu thành từ các bộ phận. Bởi vì sự VẬT có thể
không đúng thật cũng như các phạm trù. Như vậy, những sự vật nào tương
ứng với mối tương quan này tự thân (ipso facto) là những hiện hữu cấp
thấp và không đúng thật (BKT I, §135A). Chúng không bao gồm những
thực thể cấp cao hơn như các SINH THỂ hữu cơ, TINH THẦN hay các hệ
thống triết học. Hegel thường nói đến một cái toàn bộ bao gồm các bộ phận
như là một Aggregat (“hỗn hợp) hay zusammengesetzt (một tổng số được