Totalität có nghĩa là “toàn thể”, vừa theo nghĩa “đầy đủ”, “toàn vẹn” vừa
theo nghĩa “toàn thể”, “toàn bộ”. Nó khác với Ganzheit (“tính toàn bộ”,
“toàn diện”, “tất cả”) và das Ganze (“cái toàn diện”, “tất cả”) ở hai
phương diện:
1. Nó không ngụ ý về sự kết nối nội tại vốn là đặc điểm của cái toàn
bộ (ít nhất là theo nghĩa thứ 2 nói ở trên), mà chung quy chỉ có nghĩa là
Allheit (hay to pan) (“tính toàn diện”, “tất cả”). Vì thế, Kant nói về
absolute Totalität (“tính toàn thể tuyệt đối”) của các ĐIỀU KIỆN của các
thực thể có-điều-kiện, và Kant biện giải rằng cái toàn thể tuyệt đối của các
điều kiện này là cơ sở của Ý NIỆM siêu nghiệm và việc sử dụng LÝ TÍNH
một cách tư biện (PPLTTT, A407, B434 và tiếp). Ở đây, điểm nhấn mạnh là
sự đầy đủ trọn vẹn (không thể đạt tới được), tức cái Allheit của các điều
kiện, chứ không nhấn mạnh đến các mối quan hệ qua lại mang tính hệ
thống của chúng.
2. So với das Ganze, Totalität thường nhấn mạnh nhiều hơn đến sự
trọn vẹn của cái toàn bộ, tức là không có gì bị bỏ sót. Một cái toàn bộ phải
tương đối tự-túc, tự tồn và độc lập với môi trường xung quanh, nhưng
không khó để giả định rằng một cái toàn bộ (ví dụ một con người) là bộ
phận của một cái toàn bộ rộng lớn hơn (ví dụ, một nhà nước). Nhưng sẽ
khó khăn hơn để giả định rằng một cái toàn thể (Totalität), trong nghĩa
thông thường của nó, lại là bộ phận của một cái toàn thể (Totalität) rộng lớn
hơn. Một bài thơ hay một vở bi kịch là một cái toàn bộ. Nhưng, như Hegel
biện giải trong MH, chúng không phải là cái toàn thể, vì chúng chỉ đại diện
cho một phân mảnh của thế giới Hy Lạp. Một bộ sử thi, trái lại, là một
einheitsvolle Totalität (“một cái toàn thể thống nhất hoàn toàn”), vì nó đại
diện cho thế giới của Homer trong tính toàn vẹn của nó, cũng như những
hành động đặc thù diễn ra trên cái nền tảng đó. Nhưng chỗ này chỗ khác,
Hegel lại sẵn sàng gọi bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc nào là một
Totalität, và đặc biệt là một Totalität in sich (“bên trong nó”).