không tìm được bất kỳ ấn tượng nào tương ứng với cái Tôi, đã dẫn ông đến
chỗ không những phản bác bản thể tư duy mà phản bác cả cái Tôi xét như
cái Tôi (tức cái Cogito). Tuy nhiên, Kant đã lập luận rằng, dù cái Tôi không
phải là một thực thể mang tính bản thể, cái Tôi hay cái “Tôi tư duy” là tiền
đề cho mọi BIỂU TƯỢNG (Vorstellungen/Anh: representations theo nghĩa
rộng) của ta, và nhất thiết phải có thể đi kèm với mọi biểu tượng ấy. Cái
Tôi lúc này loại trừ mọi trạng thái tinh thần cũng như thể chất, vì nó chỉ
đơn thuần là chủ thể của KINH NGHIỆM. Bất kỳ điều gì tôi gán cho mình
qua việc sử dụng chữ “Tôi” thì ipso facto (tự bản thân sự việc) đều là vị từ
hay đối tượng của cái Tôi, chứ không phải là bản thân cái Tôi. Cái Tôi theo
nghĩa này mang lại điểm xuất phát cho “lý thuyết nhận thức” của Fichte (và
Schelling). Nhưng giờ đây, nơi Fichte và Schelling, cái Tôi, thoạt đầu,
không tương phản với cái Tôi của những cá nhân khác hoặc với một cái
Không-Tôi: nó đi trước sự dị biệt hóa giữa cái Tôi và cái Không-Tôi, cũng
như giữa những cá nhân riêng lẻ. Nó là một lực sáng tạo làm phát sinh một
cái Không-Tôi và bản thân sự phân biệt giữa “tôi” và “bạn”; nhưng nó làm
vậy là nhờ vào những khó khăn lô-gíc nằm trong một cái Tôi không-tương-
phản, bao quát-toàn bộ ấy. Cái tôi được Fichte, và thường được Hegel, quy
chiếu đến như là “Tôi = Tôi”, đó là vì tất cả những gì có thể được gán cho
nó chỉ là sự tự-ĐỒNG-NHẤT, và vì, về bản chất, nó có tính tự-phản-tư: nó
chỉ hiện hữu và tự tạo ra chính mình là nhờ vào việc nó có ý thức về chính
mình.
Hegel phản bác quan niệm rằng triết học, nhất là Lô-gíc học, phải bắt
đầu bằng cái Tôi TUYỆT ĐỐI vì hai lẽ: hoặc cái Tôi = Tôi đòi hỏi sự
TRUNG GIỚI có tính giải thích hoặc, nếu được xem như trực tiếp, thì
tương đương với TỒN TẠI thuần túy (BKT I, §86). Dù vậy, ông xem năng
lực mà chỉ con người mới có trong việc thoát ly [TRỪU TƯỢNG HÓA]
khỏi mọi đặc tính được quy định và tập trung sự hiện hữu của mình vào
một điểm đơn giản của tồn tại-CHO MÌNH bằng cách nói “Tôi” là có tầm
quan trọng tối cao. TỰ DO Ý CHÍ và TỰ-Ý-THỨC của ta bắt nguồn từ
năng lực này. Nhưng, cái Tôi-ý thức, tức ý thức về sự tự-ĐỒNG-NHẤT