ba phương cách tiếp diễn nhau và ngày càng thỏa ứng hơn trong việc vượt
ra khỏi những giới hạn của đời sống thường nhật và vươn lên cái tuyệt đối.
(Điều này thể hiện rõ rệt trong các bài giảng năm 1805-6 ở Jena về triết học
tinh thần, hơn là trong HTHTT, ở đó nghệ thuật chỉ xuất hiện ra như là một
mô-men của tôn giáo, tức trong “tôn giáo nghệ thuật” của Hy Lạp). Triết
học không chỉ chấm dứt chuỗi diễn trình; nó còn đưa ra một nghiên cứu về
toàn bộ chuỗi diễn trình, không chỉ về nghệ thuật, tôn giáo và bản thân triết
học mà còn về, ví dụ, đời sống chính trị xã hội, cái trực tiếp đi trước [hình
thái] nghệ thuật trong lối sắp xếp của Hegel. Vì thế, triết học, chứ không
phải tôn giáo, hợp nhất cái hữu hạn và cái vô hạn bằng cách dành cho mỗi
cái và cho các mô-men khác nhau của chúng một vị trí thích hợp trong cái
TOÀN BỘ thuần lý.
Trong các nghiên cứu của Hegel về HỆ THỐNG của ông (HTHTT;
BKT III, v.v.) tôn giáo đi trước triết học. Tôn giáo đi trước triết học về mặt
thời gian trong một giai đoạn nhất định (ví dụ, người Hy Lạp đã phát triển
tôn giáo của họ trước khi họ tạo dựng nên nền triết học đáng kể), và trong
đời sống của cá nhân, vốn đã tiếp thu lòng tin tôn giáo trước khi dấn mình
vào sự phản tư triết học. Nhưng tôn giáo không đi trước triết học trong lịch
sử: nó trải qua một sự phát triển lịch sử tương tự, và ít nhiều đồng thời với
sự phát triển của triết học. Các tôn giáo muộn hơn thường là phát triển hơn,
và VƯỢT BỎ các tôn giáo trước đó: “Tôn giáo tuyệt đối” (Kitô giáo) đứng
trong mối quan hệ (bao trùm tất cả) với các tôn giáo trước đó giống như
triết học Hegel đối với các nền triết học trước đó.
Trong một số thời kỳ (ví dụ thời Trung đại), triết học và tôn giáo
quyện chặt vào nhau, trong những thời kỳ khác (ví dụ thời Khai minh)
chúng tách rời nhau và thậm chí là thù địch nhau. Nhưng nhìn chung, theo
niềm tin của Hegel, tôn giáo và triết học có cùng NỘI DUNG (Inhalt),
nhưng trình bày nội dung ấy bằng HÌNH THỨC (Form, chứ không phải
Gestalt/hình thái) khác nhau, ví dụ điều mà Hegel trình bày, trong hình
thức cao hơn và minh bạch hơn của TƯ TƯỞNG, như là sự xuất hiện của