Ý NIỆM lô-gíc thành giới tự nhiên, hay việc khắc phục sự thôi thúc ham
muốn tự nhiên của chúng ta, v.v., được Kitô giáo trình bày, trong hình thức
HÌNH DUNG [bằng hình tượng] như là sự sáng thế của Thượng Đế, hay
như là CÁI CHẾT của Đức Kitô. Thường thì, việc tôn giáo và triết học có
cùng nội dung không rõ ràng như việc, chẳng hạn, một pho tượng và một
bức họa có cùng đối tượng và có cùng nội dung. Sự khác nhau về hình thức
khiến cho các đối tượng và nội dung của chúng có vẻ như khác nhau. Đây
là lý do tại sao lại nảy sinh các mối xung đột giữa tôn giáo và triết học, và
tại sao triết học cần phải phiên dịch các hình dung (hay “các ẩn dụ”) của
tôn giáo thành tư duy khái niệm. Vì triết học bao hàm tư duy khái niệm,
nên nó có thể phản tư và diễn giải về tôn giáo, trong khi đó tôn giáo không
thể phản tư hay diễn giải về triết học hay về nghệ thuật.
Nghiên cứu này làm nảy sinh hai câu hỏi:
1. Yêu sách rằng triết học và tôn giáo (hay triết học của Hegel và tôn
giáo của Hegel) có cùng nội dung, nhưng khác hình thức, có đúng hay có
hợp lý không? Nếu người ta chấp nhận cả một triết học nào đó lẫn một tôn
giáo nào đó, thì không có gì là không hợp lý khi đi tìm mối quan hệ khả
niệm nào đó giữa chúng, và một sự lựa chọn khác, đó là giả định rằng tôn
giáo và triết học thực chất là nói về cùng một điều. Việc chuyển các quan
niệm tôn giáo thành những ý niệm triết học ít ra đã có ở thời Heraclitus.
Plato trình bày nhiều học thuyết của ông như là những lối lý giải về các
thần thoại. Những người theo thuyết Plato mới đã lý giải tôn giáo bằng tư
tưởng riêng của họ. Augustinus không ngượng ngùng đưa ra một lối lý giải
theo kiểu Plato mới về sách Sáng thế: “Khi một người bảo con “Moses đã
nghĩ như tôi”, và người khác bảo “Không phải thế, mà như tôi”, con nghĩ
con sẽ trả lời thực sự đúng với tinh thần tôn giáo hơn rằng “Tại sao Moses
lại không nghĩ đến cả hai quan điểm, nếu cả hai đều đúng thật?”” (Tự thuật,
XII.31). Các nhà kinh viện đã phát triển học thuyết về “hai chân lý”, chân
lý của lòng tin và chân lý của lý tính: đối với Aquinas, cả hai chân lý này
bổ sung cho nhau; đối với Averroes, Duns Scotus và Ockham, chúng có thể