yếu đối với thế giới, với hệ thống khái niệm của Lô-gíc học, và với đời
sống xã hội và chính trị.
Nghiên cứu chủ yếu của Hegel về tồn tại, hư vô và trở thành xuất hiện
trong Lô-gíc học của ông. Ở đây, “tồn tại” được sử dụng trong hai cách chủ
yếu. Thứ nhất, tương phản với “Bản chất” và “KHÁI NIỆM”, “Tồn tại” là
chủ đề của phần thứ nhất trong ba phần của Lô-gíc học (“Học thuyết về
Tồn tại”), tức về những đặc tính “trực tiếp”, trên bề mặt của sự vật, về mặt
lượng lẫn mặt chất, tương phản với bản chất bên trong và với cấu trúc khái
niệm của chúng. Trong Lô-gíc học cũng như trong các tác phẩm khác
(chẳng hạn trong TTTĐ), Hegel tiếp tục dùng “tồn tại” như là phản đề của
“TƯ DUY” và “khái niệm”.
Thứ hai, trong “Học thuyết về Tồn tại”, “tồn tại (thuần túy)” chỉ phạm
trù đầu tiên, “trực tiếp” như là điểm xuất phát của Lô-gíc học. Tồn tại
(thuần túy) là sự bắt đầu thích hợp, vì, khác với Dasein (“tồn tại nhất
định/tồn tại hiện có”), nó chưa có sự phức tạp nội tại đòi hỏi sự phát triển
bên trong của Lô-gíc học: áp dụng “tồn tại” cho bất kỳ điều gì là đơn giản
bảo rằng nó tồn tại, là không quy cho nó bất kỳ tính quy định về chất nào.
(Trong HTHTT, Hegel cho rằng sự xác tín cảm tính dẫn tới sự tồn tại “trống
rỗng” như thế). Nhưng vì lẽ tồn tại thuần túy là hoàn toàn bất định, nên tồn
tại sẽ dẫn tới hay “trở thành” hư vô. Ngược lại, hư vô cũng hoàn toàn
không được quy định nên cũng là hay trở thành tồn tại. Do đó tồn tại và hư
vô, mỗi cái đều trở thành cái kia, và vì thế tạo nên khái niệm về sự trở
thành. (Sự trở thành cũng tiến hành, hay cũng là sự “thống nhất” của cả hai:
tồn tại và hư vô, ở chỗ sự trở thành là việc đi đến chỗ tồn tại của cái gì vốn
đã không tồn tại, hoặc việc ngưng không còn tồn tại của cái gì đã tồn tại).
Nhưng sự trở thành cũng không vững chắc, bởi nó chứa đựng một cách đầy
mâu thuẫn cả tồn tại và hư vô, nên nó sụp đổ vào trong Dasein (tồn tại nhất
định/tồn tại hiện có).