Hegel và các triết gia đương thời của ông rất bực bội trước sự đe dọa
của thuyết HOÀI NGHI về cả Erkennen lẫn Wissen. Ông khẳng định,
chống lại cái mà ông cho là quan niệm Kant, rằng vấn đề không thể giải
quyết bằng cách trước hết hãy khảo sát về (bản thân năng lực của) sự nhận
thức trước đã, vì nếu các quan năng nhận thức của ta là đủ mạnh cho nhiệm
vụ ấy, thì chúng mới đủ mạnh cho việc áp dụng trực tiếp vào thế giới:
phương thức của Kant giống với việc cố học bơi mà không nhảy xuống
nước (HTHTT, Dẫn nhập). Nhưng Hegel cũng không coi nhẹ nhận thức
luận: không chỉ HTHTT (với sự kiểm tra không chỉ về thế giới, mà còn về
các hình thái của ý thức), có thể nói toàn bộ hệ thống của ông được định
hình phần nào đó như một sự đáp trả đối với thuyết hoài nghi. Sự đáp trả
này bao gồm việc định hình lại hay đánh giá lại về nhiều khái niệm khác,
bên cạnh khái niệm về tri thức, chẳng hạn: “sự xác tín”, “chân lý”,
“CHỨNG MINH”, “trực tiếp”, v.v.
Bùi Văn Nam Sơn dịch
Triết học [Đức: Philosophie; Anh: philosophy]
Chữ philosophos trong tiếng Hy Lạp, từ chữ philos, philein (“mến”,
“yêu”) và sophos, sophia (“hiền minh”, “thông thái”, v.v.) và vì thế có
nghĩa là “người yêu mến sự thông thái”), tương truyền là do Pythagoras đề
xuất ra. Thoạt đầu, nó nặng về hàm ý tôn giáo và luân lý (nghĩa này tồn tại
dai dẳng trong Phaedo của Plato). Nhưng đối với Aristoteles, philosophia
là tương đương với episteme (“nhận thức lý tính”). Ở Plato, philosophos
tương phản với sophistēs [các nhà ngụy biện/biện sĩ], ban đầu chữ
“sophistēs” dùng để chỉ bất cứ ai đạt được thành tựu cao trong khoa học,
nhưng về sau lại dùng để chỉ những người dạy học chuyên nghiệp trong
phong trào Khai minh Hy Lạp, những người mà Socrates và Plato rất khinh
ghét, và vì thế mới có mùi vị “xảo biện”/“ngụy biện” (sophistry) hay giả-
triết-học. Nhưng ở giai đoạn này, philosophia không tương phản với các
ngành tri thức khác. Aristoteles phân chia nó hay phân chia episteme thành