chỉ Philosophie, và được F. von Schlegel phục hồi với mục đích loại triết
học ra khỏi cuộc thảo luận, chẳng hạn như, về tôn giáo. Trong LSTH, Hegel
đồng ý rằng chữ này [Weltweisheit] có lý trong chừng mực nó thể hiện mối
quan tâm của triết học đối với các chủ đề HỮU HẠN, thế tục, tương phản
với tôn giáo siêu nhiên, bàn về thế giới bên kia, nhưng lại cho rằng vì triết
học cũng quan tâm tới Ý NIỆM thần linh và có cùng mục đích với tôn giáo,
nên thuật ngữ này không thích hợp. Fichte cố gắng thay thế Philosophie
bằng một chữ bản ngữ: Wissenschaftslehre (Học thuyết Khoa học), nhưng
thừa nhận rằng chữ này không cắm rễ được. Giống như nhiều người thời
bấy giờ, Hegel coi triết học là “(một) KHOA HỌC” (Wissenschaft) và các
ngành của nó là “các môn khoa học (triết học)”. Nhưng điều này là nhằm
nói lên tính cách hệ thống của triết học, chứ không thay thế chữ
Philosophie.
Các định nghĩa ngắn gọn của Hegel về triết học (ví dụ như “nghiên
cứu các đối tượng bằng tư duy”, BKT I, §2), như ông thừa nhận, thường là
không sáng sủa. Nghĩa của chữ Philosophie phần nào phụ thuộc vào việc
nó tương phản với các công việc khác:
1. Triết học khác với KINH NGHIỆM và các bộ môn thường nghiệm.
Đặc biệt là ở nước Anh, chữ “triết học” được áp dụng cho các bộ môn
thường nghiệm: Vật lý học của Newton được coi là “triết học tự nhiên” và
Newton được xem là một “triết gia”; máy móc khoa học được gọi là “các
dụng cụ triết học”; và các chính trị gia (như ngài Bộ trưởng Canning) nói
về sự áp dụng của các châm ngôn triết học cho việc quản lý nhà nước (BKT
I, §7). (Hegel đặc biệt bị sốc bởi câu quảng cáo trong một tờ nhật báo Anh:
“Nghệ thuật bảo tồn tóc, trên các Nguyên tắc triết học; sách in đẹp, khổ 8,
giá 7 Schilling”). Một số trong các vấn đề này không phải là mối quan tâm
của triết học theo nghĩa của Hegel; chúng được giải quyết bằng kinh
nghiệm. Còn những thứ khác (như các định luật của Newton hay công trình
của Grotius bàn về luật quốc tế) thì lại quá thường nghiệm để xứng danh là
triết học, nhưng tất nhiên cũng là mối quan tâm chính đáng của triết học.