1930 và được in lại trong ấn bản THPQ năm 1955 do Hoffmeister thực
hiện.
Recht (“PHÁP QUYỀN”) có nghĩa rộng hơn bất cứ chữ tiếng Anh
nào, và công trình này không chỉ bao gồm luật học, mà còn cả triết học luân
lý và lý thuyết chính trị. THPQ có những nội dung sau:
1. Phần Lời tựa trong đó Hegel nói rằng công trình này là ví dụ điển
hình cho phương pháp TƯ BIỆN của việc NHẬN THỨC đã được giải thích
và biện minh trong KHLG; khẳng định, trong sự đối lập với việc luân lý
hóa không tưởng được hiện thân bởi Fries, rằng “cái gì HỢP LÝ TÍNH thì
HIỆN THỰC và cái gì hiện thực thì hợp lý tính” và ta phải “nhận thức
được rằng lý tính như là đóa hoa hồng trên cây thập giá của hiện tại”; và
lập luận rằng triết học không thể dự báo hay quy định trước về diễn trình
của các biến cố tương lai: “Khi triết học vẽ màu xám của mình trên màu
xám, thì một hình thái của cuộc sống đã trở nên già cỗi, và hình thái ấy
không thể nào được làm cho tươi trẻ lại bởi màu xám lên trên màu xám của
triết học, trái lại, chỉ có thể được nhận thức mà thôi. Con chim cú của
Minerva [nữ thần minh triết Athena của người Hy Lạp, con cú là con chim
thiêng của thần] chỉ bắt đầu cất cánh lúc hoàng hôn”.
2. Phần Dẫn nhập giải thích rằng công trình này sẽ phát triển Ý NIỆM
về pháp quyền từ KHÁI NIỆM về pháp quyền. Ý niệm về pháp quyền là
khái niệm về pháp quyền cùng với thực tại hay sự hiện thực hóa
(Verwirklichung) của nó. Vì thế, THPQ không bàn tới các chi tiết đơn thuần
thực định và ngẫu nhiên của các hệ thống xã hội và chính trị, mà bàn đến
cấu trúc thuần lý có tính bản chất của chúng. Khái niệm về pháp quyền,
theo Hegel, là Ý CHÍ tự do, và Dẫn nhập mô tả ba giai đoạn của ý chí như
là các ý niệm lần lượt thỏa ứng hơn về TỰ DO.
Cấu trúc của ý chí, tức của khái niệm pháp quyền, cung cấp khung
phân chia hay PHÂN LOẠI của việc nghiên cứu về sự hiện thực hóa của
khái niệm: (a) ý chí TRỰC TIẾP sẽ tương ứng với pháp quyền TRỪU