Hegel quen thuộc với nhiều nỗ lực khác nhau trong việc biện minh
cho sự trừng phạt. Riêng một mình Plato đã giới thiệu nhiều lý thuyết: lý
thuyết của Protagoras (trong đối thoại Protagoras), cho rằng con người bị
trừng phạt là nhắm đến viễn tượng tương lai, chứ không phải đến quá khứ,
tức là, nhằm ngăn chặn cả người vi phạm lẫn những người khác trước
những sự vi phạm trong tương lai; lý thuyết của Socrates (trong đối thoại
Cộng hòa), rằng trừng phạt người làm sai là có lợi cho họ, vì nó tăng tiến
linh hồn của họ. Hegel quan tâm đến vấn đề trừng phạt từ THTT trở đi
(trong đó, với luận văn TTKG, ông thảo luận về mối tương quan giữa sự
trừng phạt và định mệnh), và ông thấy rối mù trước việc có thể có nhiều
cách biện minh khác nhau về nó. Trong PQTN, ông ghi nhận rằng sự trừng
phạt có nhiều đặc điểm - buộc phải đáp trả một sự vi phạm, ngăn chặn sự vi
phạm, thường cải thiện kẻ vi phạm -, và rằng một thể thức đơn thuần
thường nghiệm không thể biện minh cho việc chọn lựa một trong các đặc
điểm ấy như là điểm cốt yếu hay mục đích của việc trừng phạt. Trong
KHLG, ông cũng lưu ý đến sự tùy tiện khi lựa chọn một đặc điểm của hiện
tượng trừng phạt cụ thể như là lý do chính của nó, trong khi những đặc
điểm khác được xem như những gì tùy thuộc, bất tất. Những suy nghĩ
tương tự cũng đã dẫn Nietzsche, trong Phả hệ của luân lý (1887) đến kết
luận rằng “ngày nay không thể nói một cách xác định tại sao ta buộc phải
trừng phạt: về mặt ký hiệu học, mọi khái niệm trong đó tập trung một tiến
trình toàn bộ thì không thể định nghĩa được; chỉ có cái gì không có lịch sử
thì mới có thể được định nghĩa”. Nhưng, Hegel tin rằng có thể mang lại
một sự biện minh duy nhất [đúng] cho sự trừng phạt, phần bởi vì sự trừng
phạt không đơn giản là một hiện tượng lịch sử, mà còn là bộ phận của một
hệ thống pháp quyền; vị trí của nó trong hệ thống mang lại cho nó một ý
nghĩa riêng biệt, phần khác vì, theo Hegel, có nhiều sự phản bác mạnh mẽ
đối với một số lý thuyết nhất định về trừng phạt, nhất là đối với các lý
thuyết về sự răn đe, ngăn chặn. Trong THPQ §§82-103, lập luận của ông
diễn ra như sau: