Dưới tiêu đề của “Pháp quyền trừu tượng”, việc nghiên cứu về tài sản
và hợp đồng dẫn đến sự xem xét về cái phi pháp (Unrecht). Sự phi pháp có
ba hình thức: (1) Sự phi pháp ngay tình [không cố ý], khi người phạm pháp
vẫn tôn trọng pháp luật, nhưng phạm sai lầm khi áp dụng nó vào cho một
trường hợp đặc thù, chẳng hạn, trong việc tranh cãi về tài sản; sự phạm
pháp thuộc loại này phát sinh hành vi dân sự phải bồi thường, chứ không
trừng phạt. (2) Lừa đảo, khi kẻ phạm pháp không thực sự tôn trọng pháp
luật, mà cùng lắm chỉ tôn trọng vẻ ngoài (Schein) của luật pháp; mặc dù sự
trừng phạt chỉ mới được đề ra sau này, nhưng Hegel thừa nhận rằng việc
trừng phạt cho tội lừa đảo là thích đáng (THPQ §89A). (3) Cưỡng bức
(Zwang) và tội ác (Verbrechen), trong đó vừa không tôn trọng luật pháp,
vừa không tôn trọng cả vẻ ngoài của luật pháp, và vì thế, sự trừng phạt là
thích đáng. Từ Verbrechen đến từ động từ verbrechen, nguyên là hình thức
nhấn mạnh của động từ brechen (“bẻ gãy”/Anh: “to break”), có nghĩa là
“phá vỡ, phá hủy, thủ tiêu”, vì thế, là “phá vỡ (hòa bình, lời thề hay một
điều luật)”, và ngày nay là “phạm (một tội ác)”. Cho nên, Hegel sẵn sàng
liên hệ tội ác với sự tổn hại và phá hoại.
Tại sao tội ác cần phải bị trừng phạt? Trước hết, Hegel bác bỏ một số
cách trả lời:
(1) Quan niệm của Beccaria (trong On Crimes and Punishments, 1764,
II) cho rằng quyền trừng phạt rút ra từ khế ước xã hội nguyên thủy, trong
đó luật pháp và hình phạt cho việc vi phạm chúng là đã được thỏa thuận.
Hegel cho quan niệm này là sai lầm, vì nhà nước không dựa trên một khế
ước.
(2) Mục đích của trừng phạt không phải là để cải thiện về luân lý đối
với kẻ vi phạm: một mục đích như thế (a) đòi hỏi phải trả lời cho câu hỏi
trước đó: “Tại sao việc trừng phạt là công chính (gerecht)?”, bởi rõ ràng là
không công chính khi trừng phạt, tức gây đau đớn cho con người mà không
có sự đồng tình của người đó về việc cải thiện về luân lý (THPQ §99), và