chứ không phải là một hỗn hợp trừu tượng và rời rạc. Một trong những lý
do khiến ông tin rằng những khái niệm của ta phải có thể được hợp nhất
bằng cách ấy là: những khái niệm như thế (hay “khái niệm” theo đúng
nghĩa của Hegel) tạo nên cái cốt lõi hay bản chất của tinh thần con người,
mà nếu thiếu đi sự thống nhất thích đáng, ắt khái niệm của nó chỉ còn là
một sự hỗn hợp đơn giản.
Vì thế, khi Hegel nói về “khái niệm cụ thể” hoặc về “tính phổ biến cụ
thể”, ông thường nghĩ ít nhất đến hai điểm sau đây: (a) các khái niệm hay
các cái phổ biến không tách rời một cách rạch ròi với cái cụ thể khả giác,
bởi, chẳng hạn, chúng tạo nên bản chất của cái cụ thể; và (b) chúng không
tách rời một cách rạch ròi với nhau, chẳng hạn, khái niệm về tính phổ biến
không tách rời rạch ròi với tính đặc thù và tính CÁ BIỆT. Nhưng, Hegel
cũng chống lại xu hướng xem mọi khái niệm hay mọi cái phổ biến là ngang
hàng hay ngang tầm quan trọng với những khái niệm “phổ biến”, chẳng hạn
như màu đỏ, bởi màu đỏ của một vật không nhất thiết tác động đáng kể đến
bản tính hay đến các mối quan hệ của một vật với những vật màu đỏ khác:
một vật màu đỏ có thể dễ dàng trở thành (hay được hình dung thành) một
màu khác nào đó và không làm thay đổi các phẩm tính khác của nó, cũng
như các vật màu đỏ có thể có rất ít điểm chung với nhau. Ngược lại, một
cái phổ biến, chẳng hạn như sự sống, một phần, tạo nên bản chất của những
vật sống, nói lên sự nối khớp nội tại của chúng, và phần khác, những vật
sống thiết yếu quan hệ với nhau nhờ vào sự sống của chúng: những loài
khác nhau ăn lẫn nhau hoặc hỗ trợ lẫn nhau và tái tạo nên chính mình. Vì
thế, ta mới có một khoa học về sự sống, trong khi thật phi lý khi đề xướng
một khoa học về các vật màu đỏ. (Hegel xem Tinh thần và Thượng Đế đều
là cụ thể). Hegel cũng chống lại ý tưởng cho rằng những hiện tượng cụ thể
và đang phát triển về mặt lịch sử như hình phạt và chế độ quân chủ có thể
được nắm bắt trong một định nghĩa đơn giản và duy nhất.
Tuy nhiên, cũng thật khó định nghĩa từ “trừu tượng”; và nhiều cách sử
dụng của Hegel về từ này chỉ có thể hiểu được trong văn cảnh mà chúng