Tư biện (sự, tính, cái) và Siêu hình học [Đức: Spekulation, das
Spekulative und Metaphysik; Anh: speculation, the speculative and
metaphysics]
Spekulation, spekulativ và spekulieren (“tư biện”) đến từ chữ tiếng La-
tinh là speculatio (“khám phá ra, thăm dò, ngắm nhìn”) và speculari
(“khám phá ra, quan sát; nhìn quanh”) và lần lượt xuất phát từ specere
(“nhìn, quan sát”). (Tiếng La-tinh của từ “tấm gương” là speculum, sinh ra
từ Spiegel trong tiếng Đức, nghĩa là “tấm gương”). Spekulieren phát triển
thành những nghĩa khác: “trông mong, tin tưởng vào; đoán, phỏng đoán”,
vì thế, ở thế kỷ XIX, [có nghĩa là] “dấn mình vào những công việc kinh
doanh đầy rủi ro”.
Speculatio được Boethius dùng để dịch chữ theōria của Hy Lạp
(“ngắm nhìn”). Augustine, các triết gia kinh viện (chẳng hạn như Aquinas)
và các nhà huyền học (chẳng hạn như Seuse, Nicholas Cusanus) gắn nó với
speculum, và, theo St Paul (1 Corinthian.13: 12), cho rằng ta không thể trực
tiếp nhìn thấy hay biết Thượng Đế, mà chỉ qua những công trình hay tác
động của Ngài, như trong một tấm gương. Do đó tư biện vượt ra ngoài
KINH NGHIỆM CẢM TÍNH để đến với cái thần linh hay cái siêu nhiên.
Mang nghĩa xấu từ sự tấn công triết học kinh viện của Luther, cũng
như từ sự đối lập với phong trào Khai minh của Herder và Goethe. Đối với
Kant “NHẬN THỨC lý thuyết là tư biện, khi nó hướng đến một ĐỐI
TƯỢNG, hay đến những khái niệm về một đối tượng, mà ta không thể đạt
tới được trong bất kỳ kinh nghiệm nào. Nó tương phản với nhận thức tự
nhiên (tức chủ yếu có tính nhân quả), chỉ nhắm đến các đối tượng hay các
thuộc tính của các đối tượng có thể được mang lại trong một kinh nghiệm
khả hữu” (PPLTTT, A 634f, B 662f). Kant liên kết “tư biện” với lý tính tư
biện, chuyên bàn, chẳng hạn, về các luận cứ chứng minh sự hiện hữu của
Thượng Đế.