xuất hiện: trong bài luận văn ngắn “Ai tư duy một cách trừu tượng?”/“Wer
denkt abstrakt?” (1807), Hegel cho rằng, người ta tư duy một cách trừu
tượng “khi nhìn một kẻ giết người không gì khác hơn ngoài sự trừu tượng
rằng hắn ta là một kẻ giết người, còn xóa bỏ hết phần còn lại của tính người
trong con người ấy”. Tiền tệ là giá trị trừu tượng hay chỉ diễn đạt giá trị
trừu tượng của những hàng hóa khác. Tác phẩm nghệ thuật đầu tiên, chẳng
hạn các đền đài Ai Cập hay Hy Lạp, là tác phẩm nghệ thuật trừu tượng,
tương phản với các tác phẩm nghệ thuật sinh động, ngày càng tăng cường
tính tự giác, rồi mang tính tinh thần của Hy Lạp hậu kỳ. PHÁP QUYỀN
trừu tượng - tương phản với LUÂN LÝ và ĐỜI SỐNG ĐẠO ĐỨC - liên
quan đến những quyền hạn của những cá nhân đối với nhau, trước hết là
các quyền về SỞ HỮU, hợp đồng và sự không xâm hại lẫn nhau, vốn là đặc
điểm của những xã hội được cá thể hóa cao độ - và có tính trừu tượng - như
trong Đế quốc La Mã, đồng thời cũng là một yếu tố cơ bản trong xã hội
hiện đại. Nhưng, Hegel cũng chống lại việc áp dụng thiếu thận trọng những
cái “trừu tượng” như tự do, bình đẳng và bác ái vào cho HIỆN THỰC cụ
thể, và tin rằng hiện thực sẽ phá hủy việc áp dụng ấy.
Như thế, quan niệm về cái trừu tượng và cái cụ thể thấm nhuần toàn
bộ tư tưởng của Hegel. Nhìn chung, ông cho rằng cái trừu tượng là một yếu
tố bản chất: trong Lô-gíc học, ta thoát ly khỏi cái cụ thể khả giác; và những
khái niệm, thoạt đầu, chứ không phải tối hậu, được xét như là phân biệt với
nhau, chứ không phải là một khối bất phân biệt. Trong lịch sử của loài
người, của nghệ thuật, của tôn giáo và của triết học, cái trừu tượng và việc
tập trung vào cái trừu tượng cũng là một giai đoạn có tính bản chất. Trong
xã hội hiện đại, pháp quyền trừu tượng, nguyên tắc trừu tượng, và những cá
nhân trừu tượng cũng là một đặc điểm bản chất, song hành với sự phong
phú cụ thể của những mối quan hệ nhân thân, luân lý và đạo đức.
Bùi Văn Nam Sơn dịch