hình học, đưa ra yêu sách về THƯỢNG ĐẾ, LINH HỒN và thế giới vượt
ra khỏi mọi kinh nghiệm khả hữu, bị Kant bác bỏ (hay ít nhất là quy về cho
LÒNG TIN luân lý), vì những luận cứ cho những yêu sách như vậy chắc
chắn là sai lầm và, trong một số trường hợp, dẫn tới các nghịch lý
(antinomies) không thể giải quyết được. Siêu hình học thuộc loại này là sản
phẩm của sự tư biện [đơn thuần]/Spekulation và là sự sử dụng lý tính một
cách tư biện. Nhưng Kant không bác bỏ mọi thứ được xếp dưới tiêu đề
“siêu hình học”. Ở A 841-51, B 869-79 của PPLTTT, ông đưa ra một bản
kết toán về các nghĩa hiện hành của “siêu hình học”, và theo một nghĩa nào
đó, ông tự xem mình cũng là một nhà siêu hình học. Do đó, Metaphysik
xuất hiện trong các tiêu đề của các tác phẩm của ông về đạo đức học và về
tự nhiên (SHHĐL và SHHTN), hàm ý rằng nghiên cứu của ông về chúng là
thuần túy hay không thường nghiệm, mang tính nền tảng và có hệ thống.
(Trong Handwörterbuch, Krug phê phán cách sử dụng “siêu hình học” theo
nghĩa đạo đức học của Kant: Krug chỉ xem Metaphysik là tương đương với
“lý thuyết triết học về nhận thức” mà thôi).
Một bản thảo của Hegel năm 1804-5 ở Jena, ngày nay được đặt tiêu đề
Jenenser Logik, Metaphysik und Naturphilosophie/Lô-gíc học, Siêu hình
học và Triết học tự nhiên ở Jena, được phân chia làm ba phần: “Lô-gíc
học”, “Siêu hình học” và “Triết học về Tự nhiên”. Trong các tác phẩm về
sau, Hegel không quy định một khu vực riêng biệt cho “siêu hình học”, mà
đưa chất liệu của siêu hình học vào các bộ môn khác, đặc biệt là Lô-gíc
học: Lô-gíc học “trùng khít với siêu hình học, là khoa học về sự vật được
nắm bắt bằng TƯ TƯỞNG” (BKT I, §24) và “cấu tạo nên siêu hình học
đích thực hay triết học tư biện thuần túy” (KHLG, Lời tựa cho lần xuất bản
1). Trong Lời tựa năm 1812 cho quyển KHLG, ông nhận xét rằng triết học
Đức và lương năng thông thường đã câu kết với nhau để tạo ra “một quang
cảnh kỳ cục về một DÂN TỘC có văn hóa mà không có siêu hình học -
giống như một ngôi đền được trang trí công phu mà không có một vị thần
tối linh”. Hegel thường phê phán siêu hình học “cổ truyền” hay “trước đây”
(ám chỉ trường phái Wolff), nhưng không phải vì những lý do của Kant, mà