học: “Giai đoạn cao nhất và sự chín muồi mà bất kỳ vật nào có thể đạt được
cũng là chỗ bắt đầu sự sụp đổ của nó”.
Bùi Văn Nam Sơn dịch
Tự do (sự) [Đức: Freiheit; Anh: freedom]
Freiheit và frei là gần tương đương với từ tiếng Anh freedom [sự tự
do] và free [tự do]. Chúng vừa biểu thị sự tự do của Ý CHÍ lẫn sự tự do
trong tất cả các nghĩa xã hội và chính trị của nó. Vậy nên, “sự tự do” tương
phản với “sự nô lệ”, “sự phụ thuộc”, “sự cưỡng bách”, “sự TẤT YẾU”, v.v.
Hegel nỗ lực gắn kết đủ các nghĩa này vào một lý thuyết duy nhất về sự tự
do.
Quan niệm cốt lõi về tự do là như sau: điều gì đó, nhất là một cá nhân,
là tự do khi, và chỉ khi, là độc lập và tự-quy-định, chứ không phải bị quy
định hay phụ thuộc vào điều gì khác ngoài bản thân mình. Nhưng công
thức này sinh ra ba câu hỏi:
1. Ranh giới nằm ở đâu giữa điều gì đó và cái khác của nó? Chẳng
hạn, (a) Tôi có (b) các tư tưởng nào đó; Tôi có (c) các tri giác, ham muốn
và một cơ thể; Tôi ở trong (d) môi trường xã hội và chính trị; và Tôi sống
trong (e) thế giới tự nhiên vốn bao quanh và tràn ngập môi trường xã hội
của tôi và bản thân tôi. Vậy, ranh giới giữa tôi và cái khác nằm ở đâu giữa
một bên là (a), và bên kia là (b), (c), (d) và (e); giữa (a) - (b) với (c) - (d) -
(e); giữa (a) - (b) - (c) với (d) - (e); hay giữa (a) - (b) - (c) - (d) với (e)?
Điều gì đối với tôi là tự-quy-định, hơn là bị quy định bởi một cái khác, sẽ
khác biệt tùy theo ta chọn quan niệm nào trong số các quan niệm ấy.
2. Mối quan hệ của việc quy định hay phụ thuộc sẽ được xác định như
thế nào? Chẳng hạn, đó là sự quy định nhân quả, là sự cưỡng bách hay giới
hạn về thân thể (ví dụ bị tống giam), những sự đe dọa, sự nô lệ (tức, thuộc